Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ về cán bộ, giáo viên của trường Gateway có lỗi, đã không thực hiện hết trách nhiệm dẫn đến hậu quả học sinh tử vong, người thiếu trách nhiệm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Để xảy ra vụ việc cháu bé tử vong trên xe ô tô chắc chắn không chỉ có trách nhiệm của người lái xe, người phụ trách đưa đón, mà còn có trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của nhà trường. Trách nhiệm ở đây có thể là trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phải thu thập được các tài liệu chứng cứ chứng minh cô giáo có nhiệm vụ trông nom, quản lý học sinh, nhưng giáo viên này đã không thực hiện hoặc không thực hiện hết nhiệm vụ, là nguyên nhân dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong.
Một số luật sư cũng cho rằng, ngoài giáo viên chủ nhiệm, cơ quan điều tra cũng có thể sẽ xem xét trách nhiệm của các cán bộ, giáo viên khác có liên quan trong quy trình quản lý, giảng dạy, chăm sóc học sinh, tùy thuộc vào mức độ sai phạm và yếu tố lỗi mà sẽ có đề cập, kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp. Do đó, quyết định cuối cùng trong vụ việc này để xác định ai là người sai phạm? ai là người có tội, tội đến đâu?... sẽ thuộc về tòa án theo thủ tục tố tụng hình sự.
Theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: "Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.