Khi chúng tôi đặt vấn đề đi thực tế tìm hiểu những khu rừng giáp ranh đang bị tàn phá giữa huyện Bình Gia (Lạng Sơn) và huyện Na Rì (Bắc Kạn), các đồng chí lãnh đạo huyện Bình Gia đã khuyên cần có lực lượng kiểm lâm dẫn đường bởi đường đất hiểm trở cùng với sự manh động của các đối tượng khai thác gỗ trái phép.
Từ trung tâm huyện, vượt trên 60 km đường đất hiểm trở, khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc chúng tôi tới rừng đặc dụng thuộc xã Thiện Hòa (Bình Gia, Lạng Sơn) địa bàn giáp ranh với huyện Na Rì (Bắc Kạn). Xung quanh ngút ngàn núi đá, cả khu rừng không bóng người nhưng tiếng cưa máy xòe xoẹt vang vọng ầm ầm. Khi chúng tôi dừng xe để định hướng tiếng cưa phát ra từ đâu thì bỗng nhiên tiếng cưa im bặt, xa xa dưới chân các ngọn núi đá là những chiếc xe máy vứt chỏng trơ. Anh bạn dẫn đường cho biết: Con đường này chủ yếu là các đối tượng chở gỗ đi thôi, thấy người lạ nên họ “tạm nghỉ” ấy mà.
Bỗng một đám bụi đỏ quạch bốc lên cùng với âm thanh gầm gào của tiếng xe máy, một đoàn 7 chiếc xe, mỗi xe chở vài khúc gỗ đã xẻ dài chừng trên dưới hai mét xuất hiện. Bất ngờ thấy người lạ, người đi đầu dừng lại ra hiệu cho cả đoàn nghiêng xe xuống đường cách chúng tôi hơn chục mét rồi lững thững tiến lại. Anh bạn dẫn đường nói nhỏ: “Họ tháo gỗ đấy, một người sẽ lên “nói chuyện”, nếu không xong là “a lê hấp”… nó chạy”. Nhận ra người quen, người này hồ hởi: “Toàn người nhà cả, chúng em cứ tưởng… thôi em đi đây, từ sáng đến giờ chưa được chuyến nào”. Vậy là cả đoàn quay lại xe, tiếng xe máy lại gầm lên rồi lao vút đi bỏ lại sau đám bụi mù mịt.
Hơn 10 năm trước, xã Tân Hòa có 550 ha rừng tự nhiên núi đá, xã Thiện Hòa có 219 ha, còn xã Thiện Long là xã có diện tích gỗ nghiến lớn nhất của huyện Bình Gia với trên 729 ha. Thế mà giờ chỉ còn ngổn ngang hàng đống mạt cưa cùng những mẩu gỗ đầu thừa, đuôi thẹo. Thậm chí những gốc cây nghiến trước đây lâm tặc thường bỏ qua nhưng giờ chúng cũng tận thu triệt để nên cả khu rừng càng trở nên nham nhở. Đi sâu vào trong rừng chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc lán của “lâm tặc” do lực lượng chức năng dỡ bỏ vẫn còn vương vãi bát, đũa, vỏ chai nước…
Ông Bùi Văn Lượng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bình Gia cho biết: Chúng tôi đã cố gắng thực hiện nhiều giải pháp như tham mưu cho huyện thành lập ban chỉ huy các vấn đề cấp bách từ huyện tới các xã; xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia bảo vệ và giữ rừng; thành lập các tổ, đội liên ngành chốt chặn, xử lý vi phạm quyết liệt… Tuy nhiên hiệu quả không cao, tình trạng khai thác trái phép vẫn còn xảy ra, đặc biệt là ở những khu vực giáp ranh. Bởi đây là nơi hẻo lánh, xa khu dân cư, núi đá hiểm trở khi lực lượng chức năng vào đến rừng thì các đối tượng đã bỏ chạy. Cùng với đó là địa bàn rộng, trung bình mỗi kiểm lâm viên phụ trách tới 3 xã với diện tích hàng ngàn ha nên việc trông coi rất vất vả. Lực lượng chức năng chỉ có thể dỡ bỏ những lán có người nấu cơm, ăn ngủ và thu các dụng cụ như máy cưa, cắt các loại… Nhưng không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có thể phá bỏ được những lán này, bởi một số lán trại ở bìa rừng người ta lấy lý do nghỉ để đi làm nương.
Còn ông Hoàng Hải Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng thừa nhận: Việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn vì các đối tượng vận chuyển manh mún, nhỏ lẻ bằng các phương tiện như xe máy và đặc biệt là các đối tượng này đều có thông tin về việc tuần tra, chốt chặn của các lực lượng cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện, các đối tượng quyết liệt chống trả bằng nhiều cách như ném đá, phi thẳng xe máy chở gỗ vào lực lượng chức năng… tìm cách tẩu thoát.
Thái Thuần