Gian nan cuộc chiến giữ rừng

“Trước khi chặt một cây, hãy trồng một rừng cây”; “Bạn phải đeo khẩu trang để bảo vệ lá phổi đỏ, nên đừng phá rừng để bảo vệ lá phổi xanh”… những khẩu hiệu tuyên tuyền này chúng ta thường xuyên bắt gặp ở bất kỳ bìa rừng nào. Tuy nhiên những cánh rừng ngút ngàn ở Lạng Sơn vẫn bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc, bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp mọi sự cố gắng giữ rừng của các cơ quan chức năng, chính quyền và người dân.

* Đối diện với…“lâm tặc”


Những cánh rừng ngút ngàn ở Lạng Sơn vẫn bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc. Nguồn: thanhtra.com.vn.

Khi được đặt vấn đề về việc đi thực tế tìm hiểu những khu rừng giáp ranh đang bị tàn phá giữa huyện Bình Gia (Lạng Sơn) và huyện Na Rì (Bắc Kạn), các đồng chí lãnh đạo huyện Bình Gia đã khuyên chúng tôi cần có lực lượng kiểm lâm dẫn đường bởi đường đất hiểm trở cùng với sự manh động của các đối tượng khai thác gỗ trái phép. Xuất phát từ trung tâm huyện, lấy cớ có việc riêng, chúng tôi tách đoàn, một nhóm đi cùng với các kiểm lâm viên còn tôi và anh bạn đồng nghiệp nhờ một “thổ dân” dẫn đường thẳng tiến vào rừng đặc dụng thuộc xã Thiện Hòa (Bình Gia – Lạng Sơn) địa bàn giáp ranh với huyện Na Rì (Bắc Kạn).

Từ trung tâm huyện, vượt trên 60km đường đất hiểm trở, khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc chúng tôi tới nơi. Xung quanh ngút ngàn núi đá, cả khu rừng không bóng người nhưng tiếng cưa máy xòe xoẹt vang vọng ầm ầm. Khi chúng tôi dừng xe để định hướng tiếng cưa phát ra từ đâu thì bỗng nhiên tiếng cưa im bặt, xa xa dưới chân các ngọn núi đá là những chiếc xe máy vứt chỏng trơ. Anh bạn dẫn đường cho biết: Con đường này chủ yếu là các đối tượng chở gỗ đi thôi, thấy người lạ nên họ “tạm nghỉ” ấy mà.

Bỗng một đám bụi đỏ quạch bốc lên cùng với âm thanh gầm gào của tiếng xe máy, một đoàn 7 chiếc xe, mỗi xe chở vài khúc gỗ đã xẻ dài chừng trên dưới hai mét xuất hiện. Bất ngờ thấy người lạ, người đi đầu dừng lại ra hiệu cho cả đoàn nghiêng xe xuống đường cách chúng tôi hơn chục mét rồi lững thững tiến lại. Anh bạn dẫn đường nói nhỏ: Họ tháo gỗ đấy, một người sẽ lên “nói chuyện”, nếu không xong là “a lê hấp”…nó chạy. Nhận ra người quen, người này hồ hởi: Toàn người nhà cả, chúng em cứ tưởng…thôi em đi đây, từ sáng đến giờ chưa được chuyến nào. Vậy là cả đoàn quay lại xe, tiếng xe máy lại gầm lên rồi lao vút đi bỏ lại sau đám bụi mù mịt.

Rời con đường độc đạo, chúng tôi tiến dần vào rừng. Hơn 10 năm trước xã Tân Hòa có 550 ha rừng tự nhiên núi đá, xã Thiện Hòa có 219 ha, còn xã Thiện Long là xã có diện tích gỗ nghiến lớn nhất của huyện Bình Gia với trên 729 ha. Thế mà giờ chỉ còn ngổn ngang hàng đống mạt cưa cùng những mẩu gỗ đầu thừa, đuôi thẹo. Thậm chí những gốc cây nghiến trước đây lâm tặc thường bỏ qua nhưng giờ chúng cũng tận thu triệt để theo kiểu “hết nạc thì vạc tới xương” nên cả khu rừng càng trở nên nham nhở. Đi sâu vào trong rừng chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc lán do lực lượng chức năng dỡ bỏ vẫn còn vương vãi bát, đũa, vỏ chai nước… vứt lăn lóc. Đây là lán do "lâm tặc" dựng nên làm nơi tạm trú trong những ngày khai thác gỗ trái phép.

Và một điều không thể tưởng tượng nổi, tận trong rừng sâu chúng tôi đã gặp một số lán có cả trẻ em, phụ nữ vào đây sinh sống và bán hàng. Phải chăng đây lại là “mưu ma, chước quỷ” của các đối tượng khai thác gỗ trái phép lập ra nhằm qua mặt các cơ quan chức năng để “tiếp tế” cho lâm tặc. Khi thấy có người lạ, một số “công nhân” cưa cây tạm nghỉ, ngồi nói chuyện, hút thuốc lào vặt như không có gì xảy ra. Số khác với những khúc gỗ đã xẻ trên vai thoắt ẩn, thoát hiện mất hút vào rừng sâu.

* Lợi dụng “phong tục làm nhà bằng gỗ”

Ông Bùi Văn Lượng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bình Gia cho biết: Chúng tôi đã cố gắng thực hiện nhiều giải pháp như tham mưu cho huyện thành lập ban chỉ huy các vấn đề cấp bách từ huyện tới các xã; xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia bảo vệ và giữ rừng; thành lập các tổ, đội liên ngành chốt chặn, xử lý vi phạm quyết liệt…Tuy nhiên hiệu quả không cao, tình trạng khai thác trái phép vẫn còn xảy ra đặc biệt là ở những khu vực giáp ranh. Bởi đây là nơi hẻo lánh, xa khu dân cư, núi đá hiểm trở khi lực lượng chức năng vào đến rừng thì các đối tượng đã bỏ chạy. Cùng với đó là địa bàn rộng, trung bình mỗi kiểm lâm viên phụ trách tới 3 xã với diện tích hàng ngàn ha nên việc trông coi rất vất vả. Lực lượng chức năng chỉ có thể dỡ bỏ những lán có người nấu cơm, ăn ngủ và thu các dụng cụ như máy cưa, cắt các loại…Tuy nhiên không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có thể phá bỏ được những lán này, bởi một số lán trại ở bìa rừng người ta lấy lý do nghỉ để đi làm nương.

Ông Hoàng Quang Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Đặc biệt nhiều địa phương có phong tục làm nhà gỗ nên việc tuyên truyền vận động rất khó.

Xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng nơi cũng có rừng đặc dụng và đang bị khai thác đến kiệt quệ, ngay cạnh đường đi vào khu rừng đặc dụng Hữu Liên, chúng tôi đã gặp một bãi đất rộng hàng trăm m2 ngổn ngang cột, kèo, bệ… toàn bằng gỗ cùng hàng chục thợ mộc đang hối hả dựng nhà. Khi trò chuyện ông Vi Văn Phải, thôn Làng Bên, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng tự hào kể: Đây là ngôi nhà thứ 13 của tôi dựng cho con. Ngôi nhà này cần khoảng 30 m3 gỗ, trong đó chỉ có một nửa là gỗ nghiến làm cột. Toàn bộ số gỗ này tôi đều khai thác từ trong rừng. Và ông hồ hởi mời chúng tôi đi xem ngôi nhà chính của ông được làm toàn bằng gỗ nghiến, có cây gỗ lên tới cả trăm tuổi.

Ước tính trên địa bàn xã Hữu Liên có khoảng 400 hộ gia đình với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống. Người dân ở đây đều có phong tục tập quán làm nhà bằng gỗ. Trung bình một hộ có từ 2 đến 3 người con cần làm nhà tách hộ, vậy số lượng gỗ người dân trong xã cần để làm nhà là rất lớn. Đặc biệt, nhiều hộ dân khi đã làm nhà xong nhưng họ còn tích trữ rất nhiều gỗ với lý do là để dành làm những ngôi nhà tiếp theo cho con cái khi trưởng thành. Nhiều đối tượng đã lợi dụng phong tục này của bà con để xúi giục người dân vào rừng lấy gỗ tích trữ, khi có điều kiện sẽ mang bán khiến tình trạng khai thác gỗ rừng ngày càng phức tạp.

Ông Hoàng Hải Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng cho biết: Đồng bào nhiều khi có nhà rồi nhưng vẫn khai thác về để đấy, khi nào điều kiện kinh tế khó khăn sẽ bán. Do cuộc sống thực tế quá khó khăn, trình độ dân trí thấp cùng với lợi ích trước mắt nên một số người dân vẫn tiếp tay cho các chủ đầu nậu để khai thác và vận chuyển ra các tuyến ngoài. Việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn vì các đối tượng vận chuyển manh mún, nhỏ lẻ bằng các phương tiện như xe máy và đặc biệt là các đối tượng này đều có thông tin về việc tuần tra, chốt chặn của các lực lượng cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện, các đối tượng quyết liệt chống trả bằng nhiều cách như ném đá, phi thẳng xe máy chở gỗ vào lực lượng chức năng…tìm cách tẩu thoát.


Thái Thuần

Miền Trung và Tây Nguyên: Phá rừng làm rẫy
Miền Trung và Tây Nguyên: Phá rừng làm rẫy

Tình trạng phá rừng trái pháp luật tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2011 có xu hướng tăng so với năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN