Giải pháp nào cho công tác hải quan khi dự án bôxít đang được triển khai?

Địa bàn hoạt động của Hải quan Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng, có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ công nghiệp, thủy điện, nông lâm nghiệp, khai khoáng (bôxít), đặc biệt đây là nơi xuất khẩu nông sản lớn nhất nhì của cả nước với các mặt hàng có tính chiến lược như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, trà, hoa, rau...

Cục trưởng Huỳnh Văn Tiến tại buổi giao ban của Cục Hải quan Đắk Lắk.


Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk có chức năng quản lý hải quan trên phạm vi địa bàn hoạt động của 3 tỉnh là: Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, có 3 cửa khẩu chính thì mới chỉ có cửa khẩu Buprăng có hoạt động XNK, còn 2 cửa khẩu Đắk Peur thuộc tỉnh Đắk Nông và cửa khẩu Đắk Ruê thuộc tỉnh Đắk Lắk chưa triển khai hoạt động.

Hiện đại hóa tạo thuận lợi cho xuất khẩu

Cục trưởng Huỳnh Văn Tiến cho biết: Từ năm 2007, Hải quan Đắk Lắk đã thực hiện khai báo hải quan từ xa đến nay có trên 95% doanh nghiệp tham gia với số lượng tờ khai đạt trên 95%, riêng Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột và Hải quan Đà Lạt đạt gần 100%. Hiện nay, tháng 9/2011, đơn vị triển khai thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan Buôn Ma Thuột và Chi cục Hải quan Đà Lạt, sau đó tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và mở rộng loại hình, doanh nghiệp tham gia tại 2 chi cục này.

Từ năm 2012 trở đi sẽ triển khai đến 100% các Chi cục Hải quan và doanh nghiệp, loại hình thực hiện. Hiện nay, có 116 doanh nghiệp làm thủ tục XNK trên địa bàn quản lý của Hải quan Đắk Lắk tăng 27 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2010. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm chất dẻo, điều, tiêu, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hàng dệt may, chè, hàng gốm sứ, mật ong và một số hàng hóa nhu yếu phẩm của cư dân biên giới... Hàng nhập khẩu chủ yếu là phân bón, dầu chai, vải, nguyên phụ liệu dệt may, giấy, máy móc thiết bị, vật tư xây dựng, các sản phẩm hóa chất, thuốc trừ sâu, kim loại, sản phẩm và linh kiện điện tử...

Tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, làm thủ tục hải quan cho 6.113 tờ khai hàng hóa XNK, kim ngạch đạt 421,92 triệu USD so với cùng kỳ năm 2010.Tuy nhiên, các dự án đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động có quy mô vừa và nhỏ, vốn không lớn. Hoạt động XNK của doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu là chính như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, cao su sơ chế, mật ong, hàng rau quả, hàng dệt may, sản phẩm gỗ tinh chế, hàng nhu yếu phẩm, tiêu dùng... có thuế suất 0% hoặc miễn thuế; hàng nhập khẩu như: Hóa chất, gỗ nguyên liệu, phân bón các loại có thuế suất thấp, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hoặc tạo tài sản cố định của doanh nghiệp, nguyên liệu gia công, sản xuất xuất khẩu… cơ bản được miễn thuế hoặc không thu thuế. Hoạt động XNK, XNC qua cửa khẩu biên giới thuộc tỉnh Đắk Nông ít sôi động, hàng hóa không nhiều chủ yếu là nhập khẩu dầu chai, dăm gỗ, gỗ lạng, đá Opal; hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng tiêu dùng khuyến khích xuất khẩu phục vụ sinh hoạt cư dân vùng biên giới.

Để giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp, tháng 8/2011, đơn vị đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp với từng thành phố Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, kết hợp lấy ý kiến thăm dò về chất lượng, thái độ phục vụ doanh nghiệp, khách hàng của cán bộ, công chức hải quan. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp đều có đánh giá tốt về tinh thần, thái độ phục vụ của các công chức hải quan.

Đột biến trong công tác thu thuế của Hải quan Đắk Lắk năm nay là số thu tăng cao do có việc nhập khẩu thiết bị để triển khai dự án bôxít. Đến nay Cục Hải quan Đắk Lắk đã thu được 205,26 tỷ đồng, đạt 85,53% chỉ tiêu kế hoạch (81,13% chỉ tiêu phấn đấu). Trong đó: Địa bàn tỉnh Đắk Lắk: 25,03 tỷ đồng = 78,20% chỉ tiêu kế hoạch, 70,49% chỉ tiêu phấn đấu. Địa bàn tỉnh Lâm Đồng: 179,95 tỷ đồng = 86,72% chỉ tiêu kế hoạch, 82,93% chỉ tiêu phấn đấu. Địa bàn tỉnh Đắk Nông: 1,11 tỷ đồng = 222,16% chỉ tiêu kế hoạch và chỉ tiêu phấn đấu. Đơn vị, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt pháp luật về thuế, tăng cường công tác quản lý thuế, phòng chống thất thu thuế, nợ đọng thuế, hạn chế phát sinh số nợ thuế mới. Cục đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền gửi nộp vào ngân sách đối với 1 doanh nghiệp với số tiền 175,5 triệu đồng.

Một số khó khăn và kiến nghị

Khó khăn lớn nhất của Hải quan Đắk Lắk hiện nay là thiếu biên chế trầm trọng. Với địa bàn hoạt động rộng, phân tán, nằm sâu trong nội địa, giao thông đi lại khó khăn; biên chế còn thiếu nhiều như hiện nay nên việc ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ là điều khó tránh khỏi.
Hải quan Đắk Lắk dự báo sắp tới khối lượng công việc sẽ tăng nhiều hơn, đặc biệt là khi triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn như: Dự án chế biến sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, dự án bôxít Nhân Cơ và các dự án tại khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, sân bay Liên Khương..., đặc biệt là dự án bôxít Tân Rai, Nhân Cơ hoàn thành, đi vào hoạt động và có sản phẩm alumin để xuất khẩu. Do đó, Tổng cục Hải quan nên xem xét, bố trí bổ sung biên chế cho Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk theo đề án biên chế của cục đã trình Tổng cục để triển khai thủ tục hải quan điện tử và yêu cầu công việc ngày càng tăng tại đơn vị.

Bài và ảnh: Thu Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN