Giải cứu 4 phụ nữ và trẻ em bị đưa ra nước ngoài trái phép

Đồn Biên phòng Săm Pun (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) vừa phối hợp với các lực lượng chức năng và Công an Biên cảnh Trấn Điền Bồng (Phú Ninh, Trung Quốc) giải cứu thành công 2 phụ nữ và 2 trẻ em bị đưa ra nước ngoài trái phép.

Thông tin trên được thiếu tá Dương Hồng Phong, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Săm Pun, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang xác nhận.

Đồn Biên phòng Săm Pun. Ảnh: hagiangtv.vn.


Trước đó, Đồn Biên phòng Săm Pun nhận được tin báo: Chị Vàng Thị C (sinh năm 1986) và chị Lầu Thị G (sinh năm 1988), đều là người dân tộc Mông, ở xã Lũng Pù thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đã đi khỏi nhà từ ngày 10/4 nhưng sau đó không thấy về. Khi đi, các chị dắt theo con gái của mình, là các cháu: Giàng Thị V (sinh năm 2013) và Thò Thị S (sinh năm 2009).

Ngay khi nhận được thông tin, Đồn Biên phòng Săm Pun đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác minh sự việc và ban đầu có thông tin cả 2 phụ nữ và 2 cháu nhỏ trên đang ở bên Trung Quốc. Được sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng nước bạn Trung Quốc, Đồn Biên phòng Săm Pun đã tiếp nhận và tiến hành bàn giao 2 phụ nữ và 2 cháu nhỏ cho cấp ủy, chính quyền địa phương để họ trở về đoàn tụ với gia đình.

Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có trên 274 km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc. Những năm qua, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát hiện hàng trăm vụ mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em.

Nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số là nạn nhân của các vụ buôn bán người, bị đưa qua biên giới sang Trung Quốc và bị bán vào các ổ chứa mại dâm. Thực trạng này thường diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở các xã biên giới vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Để hạn chế tình trạng mua, bán người trên địa bàn, ngay trong quý II/2015, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các sở ban, ngành chức năng thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mua, bán người trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hành vi, thủ đoạn, tác hại của nạn mua, bán người nhằm nâng cao nhận thức, giúp nhân dân chủ động phòng tránh kịp thời và phát hiện hành vi vi phạm.


Các ngành chức năng như Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, đưa người ra nước ngoài; phối hợp với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng, chống và điều tra, xử lý các vụ việc mua, bán người.

UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo UBND 11 huyện, thành phố trên địa bàn triển khai nhiều chương trình, dự án, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; qua đó người dân được tiếp cận nguồn vốn, con giống, cây giống để đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống… góp phần hạn chế tình trạng sang Trung Quốc làm thuê trái phép.


Minh Tâm (TTXVN)


Phạt 3 người Trung Quốc liên quan tới chuyên án 'Mua bán người'

UBND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 người đàn ông Quốc tịch Trung Quốc mỗi người bị phạt 20 triệu đồng về hành vi sang Việt Nam xem mặt phụ nữ (bất hợp pháp) để cưới làm vợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN