Nút giao Ngọc Hồi - Ngũ Hiệp thuộc địa phận xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (Hà Nội) là một điểm “nóng” về giao thông tại Hà Nội. Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi được kì vọng sẽ giải quyết cho tình hình giao thông tại đây, tuy nhiên, hiện toàn bộ nhân công và máy móc của nhà thầu đã rút hết mà dự án vẫn còn dang dở. Và câu hỏi mà người dân quan tâm là đến bao giờ công trình này hoàn thành thì vẫn chưa có câu trả lời.
2 km đường, 7 nút thắt
Nút giao Ngọc Hồi - Ngũ Hiệp được xem là cửa ngõ giao thông hướng phía nam Hà Nội. Tất cả các phương tiện, nhất là xe gắn máy, khi muốn xuống các huyện Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội) đều phải lưu thông qua đây. Tuy nhiên, do đường xá chật chội, có nhiều điểm giao cắt nên việc lưu thông qua khu vực này thường xuyên ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm hay ngày lễ, Tết. Ông Phạm Văn Giảng, người dân xã Ngọc Hồi, cho biết: Đoạn đường này thường ùn tắc từ 7 giờ - 7 giờ 30 phút sáng và 17 giờ - 17 giờ 30 phút chiều, có hôm ùn tắc tới 3 - 4 giờ.
Một trong những nút thắt giao thông do thi công dở dang tại xã Ngọc Hồi.
|
Thêm vào đó, việc giao cắt với nhiều tuyến đường nhánh Ngũ Hiệp và đường vào khu Đại Áng (có giao cắt với đường tàu) đã tạo nên những điểm “xung đột” giao thông, gây thêm áp lực giao thông ùn tắc cho đoạn đường này, nhất là trong giờ cao điểm hoặc gặp rào chắn mỗi khi tàu chạy qua.
Đầu năm 2011, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Hà Nội đã triển khai thi công Dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi dài 4 km. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2014, tuy nhiên, đến nay đoạn đường này vẫn tạm ngừng thi công. Chỉ riêng 2 km của dự án, bắt đầu từ cây xăng Thanh Hải (thuộc xã Liên Ninh) tới Cửa hàng Xăng dầu số 74 (xã Ngũ Hiệp) đã có tới 7 nút thắt giao thông phát sinh.
Trung tá Đỗ Xuân Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông, Công an huyện Thanh Trì cho biết, do quá trình thi công dang dở, có những đoạn rộng, hẹp bất hợp lý đã tạo ra các nút thắt trên đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc, nhất là khi phương tiện ở đoạn đường rộng vào hẹp.
“Do việc thi công dở dang, nhiều đoạn áp sát cửa nhà dân, gây mất an toàn cho cả người dân và phương tiện lưu thông”, bà Nguyễn Thị Hoa, xã Ngọc Hồi, phản ánh.
Bên cạnh đó, việc thi công dang dở đã làm cho công tác điều tiết giao thông bị ảnh hưởng. Theo Trung tá Đỗ Xuân Dũng, đường không có vạch sơn rõ ràng, nên rất khó phân định làn đường đi bên nào là đúng bên nào là sai. Đồng thời, tuyến đường từ cầu Ngọc Hồi đến cây xăng Thanh Hải là khu vực đông dân cư nhưng chưa có hệ thống đèn đường, rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông qua lại vào ban đêm. Mặc dù Công an huyện Thanh Trì đã có nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất về vạch sơn, biển báo, hệ thống đèn đường, nhưng do thi công dở dang nên chưa thể lắp đặt.
Thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng
Để phục vụ Dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi, thì diện tích cần giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 186.000 m2, liên quan tới gần 1.000 hộ dân, trong đó khoảng 600 hộ phải tái định cư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thực hiện GPMB mới được 91.000 m2.
Theo ông Trần Tiến Bộ, Trưởng Phòng Quản lý Dự án 3, Ban Quản lý Dự án Giao thông 1 - Sở GTVT Hà Nội - đơn vị chủ đầu tư dự án), đến thời điểm này, dù huyện Thanh Trì đã có nhiều cố gắng nhưng việc di dân tái định cư vẫn chưa xong. Nguyên nhân chính khiến dự án đang tạm “treo” là thiếu kinh phí, hiện nay dự án mới giải ngân được 12%. Ông Bộ cho biết, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 887 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này mới bố trí được 108 tỷ đồng, nên việc tổ chức, triển khai dự án rất khó khăn.
Do thiếu kinh phí nên việc đền bù GPMB diện tích còn lại cũng đang gặp khó. Theo ông Phạm Văn Giảng (xã Ngọc Hồi), các hộ dân nơi đây chỉ chờ lấy tiền đền bù là bàn giao mặt bằng. Do hiện chưa nhận được tiền đền bù nên họ chưa thể di dời.
Theo dự kiến, Dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi sẽ hoàn thành trong năm nay. Tuy nhiên, tới thời điểm này, công trình vẫn bị bỏ dở. Lý giải việc này, ông Bộ cho biết: “Việc tạm dừng thi công dự án này được thực hiện theo Thông báo 1972 của Thủ tướng về việc tổ chức triển khai thi công cho các công trình khi đã có kế hoạch bố trí triển khai tiếp để tránh sự nợ đọng”. Tuy nhiên, việc bao giờ triển khai thi công lại phụ thuộc vào ngân sách. Sở GTVT đang đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án, nhưng bao giờ có kinh phí để tiếp tục thi công thì phía Sở GTVT cũng chưa hay.
Bài và ảnh: Anh Đức