Doanh nghiệp vận tải bức xúc vì biển báo giao thông

Cầu đường “khập khiễng” về tải trọng đang là rào cản rất lớn trong vận chuyển hàng hóa khu vực phía Nam. Các biển báo lạc hậu và thiếu nhất quán đã khiến cho cánh tài xế bị phạt oan. Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM mới đây tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có những giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng trên.

Thay đổi vẫn lạc hậu

Từ ngày 8/4/2011, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 03/2011/TT - BGTVT cho phép các doanh nghiệp vận tải kinh doanh xe tổ hợp đầu kéo và sơ - mi rơ - moóc được nâng tải trọng vận chuyển hàng hóa khi tham gia giao thông trên đường bộ. Cụ thể, đối với loại xe sơ - mi rơ - moóc 6 trục hoặc lớn hơn, quy định tổng trọng lượng cao nhất là 48 tấn (trước đây không quy định). Còn các loại xe đầu kéo sơ - mi rơ - moóc 5 trục khi tham gia giao thông trên đường bộ được nâng lên mức tải trọng lên 44 tấn thay cho mức 40 tấn trở xuống như trước đây; loại xe 4 trục, tổng trọng lượng cao nhất 34 tấn; xe 3 trục, tổng trọng lượng cao nhất là 26 tấn. Ðối với chiều cao của xe chuyên dụng và xe container, cũng được nâng lên thành 4,35 m thay cho chiều cao trước đây là 4,2 m.

Việc ghi rõ biển báo về tải trọng theo trục xe như cầu Tân Thuận 1 sẽ giúp doanh nghiệp không bị phạt oan sai.

Nhận định về Thông tư này, ông Thái Văn Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải TP.HCM, cho biết: Thông tư 03 của Bộ GTVT đã kịp thời “gỡ trói” cho doanh nghiệp vận tải. Trước đây, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa phản ánh bị phạt không đúng quy định khi tải trọng cầu đường thường bị hạn chế quá nhiều so với tải trọng thiết kế của xe chuyên dụng. Chẳng hạn, xe container chuyên dụng thường có tổng tải trọng 40 - 45 tấn nhưng hệ thống biển báo tải trọng cầu lại dưới 30 tấn. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay là nhiều cầu sau khi nâng cấp tải trọng vẫn còn gắn biển báo tính theo tổng trọng lượng cả xe và hàng tối đa không quá 30 tấn (trừ các cầu mới xây theo tiêu chuẩn mới không gắn biển báo giới hạn về tải trọng). Do vậy, hầu hết xe đầu kéo container của các doanh nghiệp vận tải đều bị công an giao thông xử phạt về lỗi vượt quá tải trọng cầu. Chẳng hạn như cầu Đồng Điền (cây cầu dẫn vào cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) được xây dựng theo tiêu chuẩn mới, rất hiện đại, nhưng vẫn cứ gắn biển báo tải trọng 30 tấn, mà không gắn biển báo phụ về cự ly khoảng cách, nên xe ra vào khu công nghiệp Hiệp Phước và cảng Hiệp Phước có tổng trọng tải trên 30 tấn đều bị phạt.

Sớm khắc phục những bất hợp lý

Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa, các lực lượng thi hành như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông vẫn căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành để ra quyết định xử phạt đối với các xe tổ hợp đầu kéo chở container, trong lúc tổng trọng lượng cả xe và hàng chưa vượt quá 44 tấn đối với xe tổ hợp 5 trục hoặc 48 tấn đối với xe tổ hợp 6 trục theo quy định cho phép tại Thông tư 03/2011/TT - BGTVT nói trên. Đây thực sự là vấn đề khó khăn, bức xúc cho cộng đồng các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container trong suốt thời gian qua, bởi chế tài xử phạt rất nặng (tước giấy phép lái xe GPLX từ 30 - 60 ngày; phạt 3 – 5 triệu đồng; bắt buộc phải hạ tải trọng...), nhưng giới tài xế cảm thấy bị xử phạt oan vì không phải họ cố ý chở quá tải.
Bên cạnh đó, ông Chung cũng cho rằng, quy định về biển báo cầu đường bộ hiện hành đã tồn tại hàng chục năm qua, nay đã trở nên lạc hậu, cần được sửa đổi. Thực tế là hàng ngày vẫn có hàng vạn lượt xe tổ hợp đầu kéo qua lại trên các cầu đường bộ gắn biển báo cũ để vận chuyển hàng hóa đến các bến cảng, nhà máy, xí nghiệp nhưng cầu vẫn đủ khả năng chịu tải, không hư hỏng, xuống cấp do trọng tải xe và hàng hóa đã được phân bố đều lên các trục tác động lên cầu.

Thực tế khi ban hành Thông tư 03/2011/TT - BGTVT về nâng tải trọng cầu đường bộ, Bộ GTVT đã giao cho Sở Giao thông Vận tải các địa phương rà soát để điều chỉnh cho phù hợp với tải trọng cầu đường của địa phương mình. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM, kể từ khi thông tư về việc nâng tải trọng cầu đường của Bộ GTVT được ban hành đến nay đã 3 tháng nhưng nhiều biển báo không còn phù hợp vẫn tồn tại.

Trước những bất cập trên, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét việc thay đổi biển báo tải trọng cầu đường bộ theo quy định hiện hành. Cụ thể, thay đổi “Tính tổng trọng tải cả hàng và xe” sang quy định mới là tính theo trục xe và cụm trục xe như cầu Tân Thuận 1 tại TP.HCM đang áp dụng. Đồng thời gắn thêm biển báo về cự ly, khoảng cách giữa các xe để giới hạn tổng tải trọng của các xe ô tô tác động lên cầu.

Bài và ảnh: SĨ DŨNG


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN