Ảnh hưởng lớn tới kinh doanh của doanh nghiệp, sức khỏe người dân
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá giả từ Campuchia đưa về Việt Nam tiêu thụ, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như: 555, Craven A, Sài Gòn Silver…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, sức khỏe người tiêu dùng và gây thất thu thuế.
Mặc dù chưa có khung pháp luật quản lý, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng... vẫn "ngang nhiên" thâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau (xách tay, tiểu ngạch, nhập lậu,…), được bán tràn lan và có xu hướng gia tăng nhanh chóng.
Đối với mặt hàng đường, phía Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng: Một số sơ hở pháp luật đang bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi gian lận thương mại do không thống nhất phương thức xử lý đường nhập lậu bị tịch thu. Tất cả đường nhập lậu gần đây đều là đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ.
Phương thức xử lý đối với đường nhập lậu bị tịch thu hiện không thống nhất giữa các địa phương. Một số địa phương tổ chức tiêu hủy, một số địa phương lại tổ chức bán đấu giá để bổ sung công quỹ và hợp pháp hóa đưa đường lậu ra thị trường.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhấn mạnh: Hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi bị cấm (quy định tại khoản i mục 5 điều 5 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12); mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ chỉ có thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy (quy định tại mục 3 điều 55 Luật An toàn thực phẩm).
“Phương thức chỉ xử lý hành chính hành vi kinh doanh vận chuyển đường sản xuất tại Thái Lan không rõ nguồn gốc là quá nhẹ. Hành vi nhập lậu đường Thái Lan cần phải xử lý hình sự về tội buôn lậu (Điều 188 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có hiệu lực từ 01/01/2018), và Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189); đường nhập lậu có xuất xứ Thái Lan không nộp thuế cần phải xử lý hình sự theo quy định về Tội trốn thuế”, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị.
Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi
Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia cho thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép thuốc lá, đường cát hiện diễn ra ở hầu hết các tuyến, địa bàn trọng điểm các tỉnh, thành phố. Các đối tượng đã móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại với thủ đoạn tinh vi, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
“Đối tượng thường lợi dụng sự chênh lệch về giá thuốc lá, đường cát giữa thị trường các nước tiếp giáp Việt Nam với thị trường trong nước để thực hiện hành vi buôn lậu, trong khi đó, người dân rất khó phân biệt được mặt hàng đường cát ngoại với đường cát sản xuất trong nước. Hoạt động vi phạm nêu trên đã gây thất thu ngân sách, đẩy hoạt động sản xuất thuốc lá, đường cát trong nước vào tình thế khó khăn, tác động tiêu cực đến đến thị trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội”, ông Đặng Văn Dũng cho biết.
Mặt hàng vi phạm chủ yếu là thuốc lá điếu có xuất xứ từ Thái Lan, Campuchia, Lào; lá thuốc lá xuất xứ từ Trung Quốc; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, xì gà có xuất xứ từ Châu Âu, Châu Mỹ. Nổi lên là địa bàn các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Cao Bằng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Mặt hàng đường vi phạm chủ yếu là đường cát có xuất xứ Thái Lan, "điểm nóng" là các tỉnh, thành phố Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Theo BCĐ 389 Quốc gia, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã phát hiện 2.799 vụ việc vi phạm buôn lậu thuốc lá, tịch thu 3.099.309 bao thuốc lá điếu, 31.690 sản phẩm thuốc lá điện tử, 3,1 tấn nguyên liệu thuốc lá.
Đối với mặt hàng đường cát, lực lượng chức năng đã phát hiện 661 vụ việc vi phạm; 111.994 đối tượng; tịch thu 684.492 kg đường cát; tiêu hủy 99.944 kg; xử phạt vi phạm hành chính 523 vụ, 654 đối tượng, tổng số tiền phạt là 900.755.000 đồng; xử lý hình sự 03 vụ, 03 bị can.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng BCĐ 389 tỉnh cho biết: Tỉnh Kiên Giang có đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia dài 49,7 km và hơn 200 km bờ biển, là cửa ngõ ở phía Tây Nam thông ra Vịnh Thái Lan với vùng biển rộng, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển giao thương kinh tế với các nước trong khu vực.
Cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại tỉnh Kiên Giang, đặc biệt vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và trên biển còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang đã triển khai các kế hoạch, chuyên đề, cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Qua đó, quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành làm thành viên BCĐ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi pháp luật của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh như: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn 28 và các lực lượng như: Hải quan, Quản lý thị trường, Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị đại diện các lực lượng chức năng cũng nêu gặp khó khăn do các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc lá, đường cát hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội, chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính ngày càng phát triển, trong khi đa số lực lượng thực thi nhiệm vụ chưa được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn trong các khâu phát hiện, điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan phương thức này.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác điều tra cơ bản; nhận diện phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đối tượng, đường dây, tuyến địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các lực lượng, đơn vị, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… sẽ tăng cường trao đổi tình hình, chia sẻ thông tin, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng thuốc lá, đường cát....; tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chống buôn lậu.