Trước đó, ngày 18/8/2019, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên nhận được đề nghị của Ban Quản lý Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc yêu cầu lập hồ sơ xử lý hành vi phá rừng xảy ra tại tiểu khu 15, gồm: Lô 29, khoảnh 2 diện tích 4,5 ha rừng, mô hình DK5 trồng năm 2012, có 197 cây dầu, sao đường kính gốc từ 4-12 cm, chiều cao vút ngọn từ 2-6 mét và 1.337 cây keo đường kính gốc từ 4-10 cm, chiều cao vút ngọn từ 3-7 mét; Lô 36, khoảnh 4 diện tích 1,3 ha rừng mô hình DK5 trồng năm 2012, có 66 cây dầu, sao đường kính gốc từ 2-10 cm, chiều cao vút ngọn từ 2-6 mét và 130 cây keo đường kính gốc từ 2-10 cm, chiều cao vút ngọn từ 2-8 mét bị chặt phá trái pháp luật.
Để có thêm cơ sở làm rõ hành vi vi phạm, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên đề nghị Giám đốc Ban Quản lý Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc cung cấp đầy đủ hồ sơ có liên quan đến việc trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng từ khi trồng đến nay và các hồ sơ liên quan đến khu đất này; đồng thời mời các cá nhân có liên quan để làm rõ.
Làm việc với ông Lê Ngọc Tuyên, người đứng tên hợp đồng trồng rừng với Ban Quản lý Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc, cơ quan chức năng mới biết ông Tuyên đã sang nhượng toàn bộ 11,1 ha rừng đã hợp đồng này cho ông Phan Thành Mạnh (địa chỉ ấp Thạnh Thọ, xã Thạnh Bình, Tân Biên, Tây Ninh) từ năm 2014, trong đó có 5,8 ha rừng trồng đã bị chặt phá trên (hai bên chỉ sang nhượng bằng giấy viết tay, không có thông báo cho Ban Quản lý).
Ông Phan Thành Mạnh cũng thừa nhận với cơ quan chức năng là người mua lại toàn bộ 11,1 ha rừng trồng của ông Tuyên và trực tiếp quản lý, sử dụng, trồng cây mì (sắn) vào giữa các hàng cây rừng trồng từ năm 2014 đến nay. Khoảng tháng 4- 5/2019, ông Mạnh đã trực tiếp cưa, chặt số cây sao, dầu và keo trên diện tích 5,8 ha thuộc 2 lô rừng kể trên để tiện việc trồng, chăm sóc diện tích trồng mì.