Hàng chục cây gỗ quý có độ tuổi hàng trăm năm trong rừng bị triệt hạ, cưa xẻ thành khúc, thành tấm xuôi theo suối để tiêu thụ. Đó là một thực trạng tại rừng đặc dụng xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Lời cầu cứu khẩn thiết từ rừng
Theo quốc lộ 12 hướng Điện Biên – Lai Châu chừng hơn 20 km, chúng tôi rẽ sang con đường tuần tra biên giới để đi sâu vào khu vực rừng Pá Trả, bản Pá Trả, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên - nơi được mệnh danh “điểm nóng” về tình hình chặt phá rừng thời gian qua. Sau gần 1 tiếng đồng hồ vật lộn với những con dốc cao ngất ngưởng, vòng vèo uốn lượn men theo sườn núi, chúng tôi cũng đến đoạn đường thi công dở của tuyến đường tuần tra biên giới dài hơn 20 km. Anh Phạm Công Nguyên, cán bộ kiểm lâm huyện Điện Biên cho hay, chúng tôi đã vào đến địa điểm nổi cộm tình trạng chặt phá rừng.
Con đường dẫn xuống suối Huổi Lực trơn trượt do bề mặt dốc, sình lầy và ẩm ướt, chúng tôi phải tháo dép, bấm ngón chân xuống mặt đất để tránh bị ngã nhào về phía trước và luồn dưới những bụi lau lách, dây leo để tiếp cận mục tiêu. Sau gần 20 phút đi bộ, từ xa chúng tôi nghe hòa lẫn với tiếng suối chảy róc rách là tiếng nhiều người nói, cười ở phía trước. Người đi đầu đoàn của chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hải, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên dừng bước, quay đầu lại “phát” hiệu lệnh bắt chúng tôi ngồi xuống. Riêng anh Hải một mình lặng lẽ cúi khom mình, bước những bước chân nhẹ nhàng trên thảm thực vật ẩm ướt đến gần mục tiêu hơn. Sau hơn 10 phút “mật phục”, bất ngờ anh đứng bật dậy, chạy thẳng đến nơi có 4 lâm tặc đang chuẩn bị những cuộn dây thừng, xắn quần lội qua suối. Chúng tôi nhìn sang vách núi bên kia suối, thấp thoáng những “lâm tặc” đang bò ngược lên triền núi để thoát thân, chạy tội.
Một cây cổ thụ bị bọn lâm tặc đốn hạ. |
Phi vụ này, lực lượng kiểm lâm “tóm” được chủ nhân của số lượng gỗ bất hợp pháp mà đối tượng đang thuê gần 10 thanh niên trai tráng vận chuyển ra khỏi rừng, về nơi tiêu thụ. Tại hiện trường có 8 tấm gỗ giổi ước trên 1m3. Đối tượng bị bắt sinh năm 1974, trú quán tại bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Tại hiện trường, y khai nhận 8 tấm gỗ giổi là của y mua của người khác với mục đích về làm quan tài cho người thân cao tuổi, còn 11 tấm gỗ bên kia suối thì y “không biết của ai cả”.
Điều làm chúng tôi quá bất ngờ ở chỗ, đây là phi vụ thứ 2 đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ngay trên dòng suối này. Lần đầu y cũng bị chính lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên bắt giữ, lập biên bản xử phạt hành chính 24 triệu đồng khi định “tẩu tán” 3,8 m3 gỗ.
Điểm “mục kích” thứ 2 chúng tôi dừng chân là khu vực thuộc tiểu khu 696A, khoảng 5 khe suối Huổi Lực. Những cán bộ kiểm lâm đi cùng cho biết, địa điểm này tồn tại nhiều những cây gỗ quý có tuổi hàng trăm năm nên là địa điểm “béo bở” thu hút lâm tặc tìm đến.
Gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ, luồn lách dưới những thứ dây leo chằng chịt. Đập vào mắt chúng tôi là một thân cây Tô Hạp bị đốn ngã vắt ngang qua suối, án ngữ con đường phía trước. Vết cưa ở gốc cây còn đỏ au minh chứng cho thời điểm bị hạ gục còn rất mới, mùi gỗ và nhựa cây tỏa ra vẫn còn thơm nồng. Bằng mắt thường, chúng tôi dễ dàng nhận thấy cây có chiều dài trên 20m, đường kính gốc rất lớn, 2 người ôm không xuể và nếu tận thu thì cũng phải khai thác được khoảng 4 m3 gỗ tròn. Cách đó không xa, một thân cây chò nâu có độ tuổi gần trăm năm, dài gần 24 m, đường kính thân gần 60 cm cũng cùng chung số phận. Tại nơi khai thác gỗ trái phép này, chúng tôi đếm được tới 13 cây gỗ cổ thụ có độ tuổi hàng chục năm với khối lượng lên đến trên 33 m3 gỗ tròn do lâm tặc triệt hạ chưa kịp “tẩu tán”, dấu cưa máy sắc lẹm vẫn còn mới toanh.
Không thể phó thác trách nhiệm cho kiểm lâm
Chứng kiến thảm cảnh rừng bị tàn phá, rút ruột ngang nhiên, tại trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên, anh Nguyễn Văn Hải, Hạt Trưởng bức xúc: Tình trạng chặt, phá rừng, khai thác trái phép rừng tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khi lâm tặc đã bất chấp luật pháp, tang vật vụ vi phạm lâm luật này nằm cạnh đường vành đai tuần tra biên giới, cách trung tâm xã không xa (khoảng trên dưới 15 km) chứng tỏ có nhiều người tham gia. Anh Hải cũng cho biết thêm, hiện nay lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên gặp nhiều khó khăn như địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp, lực lượng kiểm lâm mỏng, trong khi đó nhu cầu về sử dụng gỗ của người dân trên địa bàn lớn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Thái, Mông... nên công tác tuần tra, phát hiện những hành vi khai thác, vận chuyển gỗ của lâm tặc đối với lực lượng kiểm lâm còn hạn chế, khó khăn. Mặt khác, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm thì lớn mà chức năng, quyền hạn rất hạn chế, nên trong công tác đấu tranh bảo vệ rừng còn gặp rất nhiều trở ngại, rào cản.
Một nguyên nhân khác khiến rừng ở thượng nguồn suối Huổi Lực luôn là tâm điểm của bọn lâm tặc bởi nơi hội tụ các yếu tố về vị trí “thiên thời, địa lợi”. Tại điểm xảy ra vụ phá rừng trên, xuôi theo suối Huổi Lực thì phía thượng nguồn con suối sẽ dẫn đến địa bàn Thanh Nưa, xã tiếp giáp với trung tâm thành phố Điện Biên Phủ - nơi có nhu cầu tiêu thụ gỗ rất lớn - cách quốc lộ 12 chưa đầy 2km.
Xã Mường Pồn hiện có trên 4.000 ha rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng hơn 33%, thấp hơn tỷ lệ toàn tỉnh (37%). Những năm qua, rừng Mường Pồn luôn được đánh giá là rừng có trữ lượng lớn, gỗ tốt, lâu năm. Tuy nhiên, nói như anh Nguyễn Văn Hải: “Việc bảo vệ rừng ở Mường Pồn cần có sự quan tâm, ủng hộ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, chính quyền địa phương, người dân mới bảo vệ được rừng, còn nếu phó thác trách nhiệm, ỷ lại vào riêng lực lượng kiểm lâm thì công tác bảo vệ rừng còn gặp rất nhiều khó khăn, gian nan”.
Xuân Tiến