Theo đó, ba bị can Hà Ngọc Thẩn (nguyênTrưởng Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Chư Prông), Quách Văn Lực (nguyên nhân viên Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Chư Prông, trước đó là công chức địa chính xã Ia Lâu, huyện Chư Prông), Bùi Đình Hiếu (nguyên công chức địa chính xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) cùng bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về bồi thường đất đai, hỗ trợ tái định cư”. Ngoài ra, bị can Hà Ngọc Thẩn còn bị đề nghị truy tố thêm tội “Sử dụng trái phép tài sản”.
Ba bị can là Nguyễn Tiến Tạo (nguyên Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông, hiện là Chánh văn phòng UBND huyện Chư Prông), Rơ Lan Chim (Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơ), Nguyễn Ngọc Ánh (chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông) cùng bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Riêng bị can Nguyễn Thị Luyên (nguyên kế toán trưởng Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Chư Prông) bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”, “Sử dụng trái phép tài sản”.
Liên quan vụ án này, bị can Trịnh Minh Hòa (người dân xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông này đã lập hồ sơ khống để nhận đền bù khi thực hiện dự án hồ thủy lợi Ia Mơr.
Tất cả các bị can này đều có liên quan đến những sai phạm trong việc đền bù ở Dự án hồ Thủy lợi Ia Mơr.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin "Gia Lai: Điều tra việc tự ý xây dựng nhà cửa trên phạm vi kênh nhánh Thủy lợi Ia Mơr" vào tháng 8/2021. Trong đó nêu rõ, UBND huyện Chư Prông đã có văn bản chỉ đạo Công an huyện phối hợp với UBND xã Ia Mơ điều tra, làm rõ các đối tượng có dấu hiệu lợi dụng chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, tự ý dựng nhà cửa, chuồng trại, trồng cây trong phạm vi các tuyến kênh nhánh thuộc dự án Thủy lợi Ia Mơr (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông); xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Thời điểm đó, theo ông Phạm Vũ Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, dự án thủy lợi Ia Mơr đang tiến hành đầu tư xây dựng 12 tuyến kênh nhánh để phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.000 ha đất canh tác của người dân đã được phê duyệt vào khoảng tháng 6/2021, dự kiến xây dựng vào cuối năm 2021-2022.
Trước đó, chủ đầu tư tiến hành đo đạc, cắm mốc. Tuy nhiên, vào tháng 7/2021, người dân địa phương phản ánh, chính quyền xã Ia Mơ báo cáo, tại đây có tình trạng một số người tự ý xây dựng lán trại trên đất nông nghiệp thuộc một số tuyến kênh nhánh của thủy lợi này. UBND huyện Chư Prông đi kiểm tra vào cuối tháng 7/2021, trên các tuyến kênh dẫn thủy lợi Ia Mơr có 5 nhà được xây dựng bằng ván cũ, mái lợp tôn. Mỗi căn nhà có diện tích hơn 100 m2 và nằm trọn trong phạm vi xây dựng tuyến kênh nhánh, thậm chí có một số căn nhà nằm đúng tim giữa tuyến kênh. Các căn nhà này chỉ có bộ khung, bên trong trống, chưa có dấu hiệu sử dụng, thậm chí có nhiều cây cỏ mọc bên trong.
UBND huyện Chư Prông đã giao UBND xã Ia Mơ làm việc với từng chủ hộ, vận động tháo dỡ. Quan điểm của UBND huyện Chư Prông là tháo dỡ các công trình này và không đền bù. Tại văn bản chỉ đạo làm rõ, UBND huyện Chư Prông yêu cầu UBND xã Ia Mơ chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để người dân vi phạm, xây dựng nhà cửa, chuồng trại, cây trồng mới, vật kiến trúc khác trong phạm vi công trình, làm phát sinh và ảnh hưởng đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ dự án kênh nhánh thủy lợi Ia Mơr.
Năm 2007 dự án hồ chứa thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng. Đây là công trình đa mục tiêu nhằm đảm bảo quốc phòng an ninh, di dân, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế khu vực biên giới của Gia Lai và Đắk Lắk.