Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm

Trong những năm qua, tình hình các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người, Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng tập trung triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, dẫn chứng về vụ án giết người, cướp tài sản nam sinh viên chạy "xe ôm" công nghệ xảy ra gần đây, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Lực lượng Công an đã chú trọng công tác phòng ngừa.

Chú thích ảnh
 Chiếc xe máy nhãn hiệu Yamaha màu xanh, BKS: 36B5-443.41 của nạn nhân trong vụ án nam sinh viên chạy Grab bị sát hại. Ảnh: TTXVN phát

Theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, khi vụ án xảy ra, tổ công tác đặc biệt của Công an thành phố Hà Nội gồm Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự và Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Bắc Từ Liêm đã vào cuộc, phá án nhanh chóng. Đây là chiến công đáng được biểu dương.

Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, năm 2019, Đảng ủy Công an Trung ương đã đề ra chỉ tiêu giảm ít nhất 3% số vụ phạm pháp hình sự so với 2018.

Kết quả là trong 9 tháng vừa qua, số vụ phạm pháp hình sự đã giảm 6%. Bộ Công an cũng đã điều chỉnh, bố trí lại, đưa lực lượng Công an chính quy điều động về cơ sở để làm giảm tình hình tội phạm.

Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng đưa ra khuyến cáo: "Người dân nên chọn những hãng xe dịch vụ uy tín; nếu thực sự không cần thiết, nên hạn chế đi vào những lúc quá khuya hoặc những nơi vắng vẻ; khi đi xe không nên để lộ những tài sản có giá trị để tránh nguy cơ bị kẻ xấu hãm hại.

Các đơn vị trong ngành công an tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các giải pháp phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Cảm hóa, giáo dục đối tượng có nguy cơ phạm tội tại địa bàn cơ sở; thường xuyên thông báo các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới để nhân dân cảnh giác phòng ngừa.

Xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình hòa giải, góp phần giải quyết các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh; đa dạng hóa các hình thức để nhân dân cung cấp thông tin, tố giác tội phạm (cùng với các hộp thư tố giác, điện thoại đường dây nóng, 100% Công an địa phương đã có các hộp thư điện tử tố giác tội phạm trên internet). Triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ đối với các đối tượng có nguy cơ phạm tội theo chức năng của lực lượng công an nhân dân.

Tổ chức tấn công trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh. Đối với các vụ án giết người xảy ra, đã tập trung lực lượng điều tra làm rõ (đạt tỷ lệ trên 95%), về cơ bản các vụ án nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm đều được nhanh chóng điều tra khám phá, phối hợp với các ngành xử lý nghiêm minh đối tượng phạm tội trước pháp luật.

Theo đại diện Bộ Công an, từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm giết người vẫn diễn biến phức tạp. Riêng 5 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 447 vụ giết người (tăng 3,47%); 15 vụ giết người cướp tài sản, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, đã xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...). Điển hình các vụ như: Vụ giết, hiếp nữ sinh giao gà do các đối tượng nghiện ma túy gây ra ngày 4/2/2019 tại Điện Biên; vụ Nguyễn Võ Ngọc Bảo “ngáo đá” giết, cướp tài sản của mẹ đẻ và em trai ruột xảy ra ngày 5/1/2019 tại Ninh Thuận; vụ Trịnh Viết Ba (hành nghề thầy cúng) dùng dao giết 2 người, bị thương 2 người là hàng xóm xảy ra ngày 4/3/2019 tại Nam Định…

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho rằng: Nguyên nhân của tình hình trên là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức gia đình trên một số mặt diễn ra rất đáng báo động, hình thành lối sống, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn xã hội bằng hành vi bạo lực (nhiều vụ chỉ do mâu thuẫn nhỏ trong va chạm giao thông cũng dẫn đến hành vi giết người). Chưa có giải pháp hiệu quả hạn chế tác động tiêu cực của các ấn phẩm đồi trụy, bạo lực trên mạng Internet, nhất là đối với thanh, thiếu niên đang ở độ tuổi phát triển về nhận thức, tâm, sinh lý. Nhiều mâu thuẫn tích tụ trong nội bộ nhân dân, trong từng gia đình chưa được chú ý phát hiện và giải quyết kịp thời; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn nhiều bất cập, ý thức pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân chưa cao, kỷ cương pháp luật chưa nghiêm; công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là phòng ngừa xã hội chưa hiệu quả; công tác quản lý, giáo dục đối tượng có nguy cơ phạm tội tại địa bàn cơ sở chưa tốt, chưa có sự tham gia đồng bộ của các ngành và còn gặp nhiều khó khăn, nhất là quản lý đối tượng thanh, thiếu niên hư, quản lý đối tượng tâm thần, “ngáo đá”...  

Chú thích ảnh
Hiện trường nơi xảy ra vụ giết người, giấu xác trong bê tông ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN

Để từng bức góp phần phòng ngừa, ngăn chặn làm giảm các vụ giết người, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết lực lượng Công an tập trung phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức phòng ngừa tội phạm trong nhân dân một cách sâu rộng với các hình thức phong phú, đa dạng. Kết hợp giữa tuyên truyền chung và tuyên truyền cá biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội giết người. Xây dựng các hình thức tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ pháp luật, tư vấn xử lý các tình huống, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; chú trọng phổ biến nâng cao cảnh giác và kỹ năng xử lý, ứng phó với các hành vi bạo lực, các tình huống có thể dẫn đến hành vi bạo lực (như khi phát hiện có kẻ trộm đột nhập, khi bị cướp tài sản, khi gặp đối tượng “ngáo đá”, người mắc bệnh tâm thần nặng, khi xảy ra mâu thuẫn căng thẳng...).

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kết hợp với phong trào toàn dân xây dựng văn hóa tại cộng đồng dân cư, trong đó chú trọng công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, vai trò người có uy tín trong hòa giải các mâu thuẫn, không để phát sinh tội phạm.

Phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng nhằm ngăn ngừa các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực tác động đến thanh, thiếu niên. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý con người, quản lý địa bàn, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các tụ điểm có sử dụng rượu, bia, nhà hàng, quán ăn (đặc biệt vào đêm khuya); đẩy mạnh quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không để tội phạm lợi dụng sử dụng vào việc gây án; phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội...

Nâng cao hiệu quả xử lý, tố giác tin báo về tội phạm giết người; kịp thời ngăn chặn các vụ việc, biểu hiện có thể dẫn đến hành vi giết người; nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm giết người, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

V.Tôn/Báo Tin tức
Không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm
Không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm

Sáng 25/7, Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN