Theo thống kê sơ bộ, trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) hiện tồn tại 6 loại nghề khai thác cố định khác nhau và 8 nghề khai thác lưu động với hơn 5.000 phương tiện khai thác, đánh bắt.
Ngoài đánh bắt bằng xung điện, gần đây đã xuất hiện nghề lừ xếp (xuất xứ từ Trung Quốc), có nguy cơ cao làm tổn hại đến môi trường thủy sinh và nguồn lợi thủy sản trên đầm phá.
Lừ xếp có chiều dài từ 10 m trở lên, do nhiều khung sắt hình chữ nhật 34 x 22 cm (dài 34 cm, cao 22 cm) xếp chồng lên nhau, ngoài chăng lưới, loại mắt lưới nhỏ dưới 12 mm nên đánh bắt cả các loại tôm cá nhỏ. Trước thực trạng này, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý nghề lừ xếp trên đầm phá.
Các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền đang tăng cường sắp xếp nò sáo, ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt. Huyện Phú Vang đã tổ chức tháo dỡ 86 trộ nò sáo, 92 miệng đáy và 6 trộ rớ lấn chiếm giao thông thủy, giải phóng 75 ha mặt nước. Tại huyện Phú Lộc, hiện phần lớn diện tích nò sáo lấn chiếm luồng giao thông thủy, lấn chiếm các tuyến lấy nước vào khu nuôi trồng thủy sản đã được giải tỏa.
Các địa phương còn tổ chức kiểm tra ngăn chặn một số trường hợp chắn lưới nuôi tôm khu vực Lộc Điền, thị trấn Phú Lộc, xã Vinh Hưng (thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai). Ngành thủy sản đã phối hợp với các địa phương ven đầm phá tổ chức tuyên truyền, tập huấn và yêu cầu các hộ ký cam kết không sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt thủy sản. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng đã tổ chức các đợt kiểm tra vùng đầm phá nội đồng, phát hiện, bắt và xử phạt hơn 40 trường hợp vi phạm, thu 24 bình ắc quy, 11 bộ kích điện, lưới giã cào và lưới xiết điện.
Hiện, có khoảng 40% hộ ngư dân trước đây chuyên làm nghề nò sáo được hỗ trợ chuyển sang hình thức đánh bắt khác. Tại huyện Phú Lộc đã thành lập mới khu bảo vệ thủy sản khe Đập Làng, xã Lộc Bình, với diện tích 36 ha. Tại đây, dựa vào cộng đồng để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, làm tăng nguồn lợi thủy sản; nghiêm cấm ngư dân trong vùng hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên và môi trường.
Quốc Việt