Lực lượng chức năng đọc lệnh Khởi tố tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN phát
Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Sử dụng chứng chỉ hành nghề, văn bằng chuyên môn, chứng nhận đào tạo giả để hành nghề; hành nghề không có giấy phép; mạo danh bác sĩ để cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh; hoạt động không có giấy phép hoạt động hoặc vượt quá phạm vi được cấp phép; lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo sai sự thật, lừa dối người bệnh… Những hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây tai biến, biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân.
Cụ thể, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng là quản lý nhân sự và nhân viên tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng về hành vi “Lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. Lực lượng chức năng thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 đối tượng; lệnh cấm đi khởi nơi cư trú đối với 3 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm của phòng khám.
Trước đó, đầu năm 2025, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã xét xử hai phòng khám đa khoa Hữu Nghị và Hữu Thọ (đổi tên thành Miền Trung) về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"...
Để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành; trong đó, yêu cầu tuân thủ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023, Thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 và các văn bản liên quan.
Các cơ sở chỉ được hoạt động khám, chữa bệnh khi đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Khám bệnh, chữa bệnh; chỉ được thực hiện kỹ thuật trong phạm vi được cấp phép và phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Người hành nghề phải hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi hành nghề tại cơ sở; chỉ thực hiện kỹ thuật phù hợp với chứng chỉ hành nghề đã được phê duyệt. Các cơ sở có trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của chứng chỉ hành nghề, bằng cấp và chứng nhận đào tạo của nhân sự. Trường hợp phát hiện nghi vấn sử dụng giấy tờ giả phải kịp thời báo cáo Sở Y tế để xác minh, xử lý. Mọi hoạt động quảng cáo phải đúng phạm vi chuyên môn và danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt.
Sở Y tế cũng yêu cầu Giám đốc các cơ sở y tế công lập quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề ngoài giờ của viên chức; chỉ cho phép khi được người đứng đầu đơn vị đồng ý. Các đơn vị phải thường xuyên phổ biến quy định pháp luật đến toàn thể viên chức và người lao động.
UBND các xã, phường cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn dịch vụ tại các cơ sở đã được cấp phép, thông tin công khai trên trang https://opendata.danang.gov.vn/. Các cơ quan chức năng cần cung cấp đầy đủ thông tin pháp lý trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tránh đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp phép.
Chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép, công khai danh sách các trường hợp vi phạm; phối hợp với Sở Y tế, Công an và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động không phép hoặc quảng cáo sai sự thật.
Sở Y tế thành phố sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu định kỳ để các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra và xử lý các cơ sở không có giấy phép hoạt động, cơ sở ngừng hoạt động quá một năm hoặc có người phụ trách chuyên môn đã mất nhưng chưa báo cáo theo quy định.