Quang cảnh phiên tòa.
Tám bị cáo hầu tòa trong vụ án này đều là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè gồm: Nguyễn Thiện Toàn (sinh năm 1958, cựu Tổng Giám đốc), Đặng Ngọc Cầm (sinh năm 1959, cựu Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty), Nguyễn Quốc Khánh (sinh năm 1961, cựu Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty), Vũ Ngọc Tự (sinh năm 1953, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty), Trần Thị Hoa (sinh năm 1958, cựu thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty), Bành Thương Trí (sinh năm 1973, cựu Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Chè - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Chè Sài Gòn), Đặng Văn Tới (sinh năm 1959, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty), Trần Hồng Điệp (sinh năm 1961, cựu Kiểm soát viên chuyên trách).
Trong đó, bị cáo Trần Hồng Điệp bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 2, Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Bảy bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Công ty Chè được Nhà nước giao quản lý, sử dụng 11 cơ sở nhà đất. Quá trình quản lý, sử dụng các khu đất trên, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè và các cá nhân liên quan đã có hành vi trái pháp luật, gây hậu quả thiệt hại hơn 38 tỷ đồng cho Nhà nước ở 3 khu đất gồm: nhà đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), diện tích 1.500 m2 tại đường Trần Khát Chân (Hà Nội) và 11.635 m2 đất ở đường Chè Hương (Hải Phòng).
Cụ thể, đối với nhà đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì sau cổ phần hóa, khu này vẫn là đất thuê trả tiền hằng năm, không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; giao cho Tổng Công ty Chè cổ phần tiếp tục được thuê đất và đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi đang thực hiện cổ phần hóa, bị cáo Nguyễn Thiện Toàn và các đồng phạm đã thống nhất ký các nghị quyết, văn bản thỏa thuận, hợp đồng vay tiền, nộp tiền đất một lần, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong tương lại cho Công ty GB-Tea.
Toàn bộ việc làm trên được thực hiện sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đang trong thời gian cổ phần hóa Tổng Công ty Chè. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Thiện Toàn, Đặng Ngọc Cầm, Nguyễn Quốc Khánh và các đồng phạm không hạch toán bổ sung, không xác định tài sản là quyền sử dụng đất thuê 50 năm trả tiền một lần vào giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Đối với diện tích 1.500 m2 tại Trần Khát Chân (Hà Nội), bị cáo Toàn và các đồng phạm đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, quyền góp vốn không qua đấu giá. Tương tự, bị cáo Toàn đã ký các văn bản chuyển nhượng phần vốn góp là quyền sử dụng đất diện tích 11.635 m2 ở đường Chè Hương (Hải Phòng) không qua đấu giá.
Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thiện Toàn là người đã chỉ đạo, ký nghị quyết vay tiền, nộp tiền sử dụng đất thuê 50 năm trả tiền một lần tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) không xác định giá trị tài sản này vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Tổng Công ty Chè Việt Nam; ký nghị quyết và hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp là quyền sử dụng đất thuê 30 năm diện tích 1.500 m2 tại đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong liên doanh Hotel Indochine Hà Nội và quyền sử dụng đất diện tích 11.635 m2 đất ở đường Chè Hương (thành phố Hải Phòng) tại Công ty Nam Cường không qua đấu giá là trái pháp luật.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thiện Toàn khai khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa là đất thuê 50 năm, khi cổ phần hóa thì phương án là Tổng Công ty Chè tiếp tục được sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh. Sau đó khi thực hiện thoái vốn tại liên doanh thì Nhà nước đã thu được 27,9 tỷ đồng tiền thuê đất 50 năm trả tiền một lần. Còn Tổng Công ty Chè đã thu được tài sản trên đất là 21 tỷ đồng và 4 tỷ đồng lợi thế quyền thuê đất.
Đối với khu đất Trần Khát Chân, Tổng Công ty Chè được sử dụng 238.500 USD tiền thuê đất trong 30 năm để góp vốn vào Liên doanh Hotel Indochine Việt Nam. Khi đó, Tổng Công ty Chè đã nhận nợ tiền thuê đất với Nhà nước, phương án giải quyết có thể hạch toán tăng tài sản Nhà nước đã đầu tư vào Tổng Công ty Chè hoặc Tổng Công ty Chè sẽ trả khoản nợ này. Theo bị cáo Toàn, công trình này không nằm trong danh sách tài sản Nhà nước, do đó, khi chuyển nhượng, Tổng Công ty Chè không thực hiện đấu giá.
Về khu đất 11.635 m2 tại đường Hương Chè (Hải Phòng), bị cáo Nguyễn Thiện Toàn khai theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thời điểm đó thì buộc phải bán cho các cổ đông sáng lập tại doanh nghiệp dự án là Công ty Nam Cường với giá 20,5 tỷ đồng. Bị cáo Toàn thừa nhận sai phạm trong việc bán 870 m2 đất là đất thuê lâu dài phải xác định lại giá trị và bán đấu giá công khai.
Tại phiên tòa, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty Chè Việt Nam Đặng Văn Tới khai, khi Tổng Công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bị cáo không biết, chỉ đến khi có báo cáo kiểm toán thì bị cáo mới biết và có báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bị cáo trình bày, trong quá trình làm việc, bị cáo ghi nhận tài sản vô hình là quyền thuê đất.
Về cáo buộc sai phạm tại khu đất 1.500 m2 Trần Khát Chân, bị cáo Tới cho rằng, bị cáo đã báo cáo với bị cáo Vũ Ngọc Tự (khi đó là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Chè) về quy định phải bán đấu giá nhưng thực hiện như thế nào lại thuộc về quyền quyết định của Hội đồng thành viên.
Theo cáo trạng, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty Chè Việt Nam Đặng Văn Tới bị Viện Kiểm sát xác định là đã không hạch toán bổ sung tài sản là quyền sử dụng đất thuê 50 năm trả tiền một lần tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Tổng Công ty Chè Việt Nam; hạch toán tiền chuyển nhượng phần vốn góp là quyền sử dụng đất thuê 30 năm diện tích 1.500 m2 tại đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong liên doanh Hotel Indochine Hà Nội và quyền sử dụng đất diện tích 11.635 m2 đất đường Chè Hương (Hải Phòng) tại Công ty Nam Cường không qua đấu giá.