Đáng chú ý, vừa qua trang Fanpage này đã đăng tải những thông tin tình hình an ninh trật tự đã xảy ra từ hàng chục năm trước, gây hoang mang dư luận.
Gần đây nhất ngày 29/8/2022, Fanpage “Góc Lâm Đồng” đăng tải thông tin “Những giang hồ đất bắc và cuộc thanh toán đẫm máu ở Đà Lạt”. Đây là vụ việc có thật, nhưng đã xảy ra từ 13 năm trước và đã được lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, khi trang này sử dụng lại, đề thông tin xảy ra vào rạng sáng 3/8, khiến nhiều người đọc hiểu nhầm mới xảy ra 20 ngày trước đó. Hậu quả khá nhiều người đã vào trang bình luận, chê trách sự yếu kém của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân.
Ngoài ra, trang Fanpage Facebook “Góc Lâm Đồng” còn đăng tải, chia sẻ hàng loạt các bài viết về những vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự tại tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra từ nhiều năm trước và đã được ngăn chặn, giải quyết triệt để. Trang Fanpage này còn dùng hình ảnh không đúng thực tế, khiến người đọc ngộ nhận xã hội đang rối ren, phức tạp và cho rằng “các cơ quan chức năng, cơ quan thực thi pháp luật yếu kém, bao che cho giang hồ, nên giang hồ mới lộng hành, vô thiên vô pháp như vậy…”.
Theo đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an tỉnh Lâm Đồng): Trang Fanpage Facebook “Góc Lâm Đồng” lấy danh nghĩa địa phương Lâm Đồng nhưng không phải trang mạng xã hội chính thống của bất kỳ cơ quan chức năng nào của tỉnh Lâm Đồng lập ra, quản lý. Hành vi đăng tải, chia sẻ các bài viết có nội dung giật tít, câu like, câu view, cung cấp thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến uy tín các cơ quan, tổ chức của trang Fanpage Facebook “Góc Lâm Đồng” là vi phạm pháp luật. Hiện nay, Công an tỉnh Lâm Đồng đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo: Tất cả các tổ chức, cá nhân đăng tải, chia sẻ, tán phát hoặc bình luận đồng thuận với thông tin sai sự thật nêu trên cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo quy định tại điểm a, điểm d, khoản 1, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử; mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, với khung hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.