Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó có việc quản lý, sử dụng cưa xăng, nhằm giảm thiểu tình trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép trong các Khu bảo tồn và vườn Quốc gia. Tuy nhiên, nhiều cánh rừng vẫn bị tàn phá bởi cưa xăng.
“Hung thần” của rừng xanh
Bắc Kạn là một trong những địa phương có độ che phủ rừng vào loại cao trong cả nước với 70,7%; trong rừng còn nhiều loại gỗ quý hiếm như nghiến, đinh, lim, trai, trắc… Trước đây, để chặt hạ một cây gỗ nghiến, các đối tượng khai thác phải dùng cưa tay hoặc đốt, mất nhiều thời gian và công sức; nay chỉ cần chưa đầy 20 phút, các đối tượng đã “triệt hạ” một cây gỗ nghiến quý hiếm hàng trăm năm tuổi bằng cưa xăng (thường gọi là cưa lốc).
Sự tiện lợi của cưa xăng ở chỗ nó rất nhỏ gọn, có thể tháo rời phần xích và phần lưỡi khỏi thân cưa để vác vào rừng và lắp ghép lại cũng dễ dàng. Mỗi chiếc cưa được đổ đầy bình nhiên liệu với khoảng 1,5 lít xăng. Nếu hoạt động hết công suất trong 1 ngày, mỗi chiếc cưa xăng chỉ tiêu thụ hết khoảng 4 lít xăng, mà lại có thể cưa một cây gỗ lớn thành hàng chục khúc gỗ thành phẩm vuông vắn.
Trưởng thôn Lùng Pảng, xã Côn Minh (huyện Na Rì) Hoàng Đức Toàn cho biết: Toàn thôn có 35 hộ thì có 12 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo; trong khi đó, đất nông nghiệp chỉ có 8,3 ha, chỉ canh tác được 1 vụ, chủ yếu là trồng ngô. Một số người dân tranh thủ lúc nông nhàn vào rừng để xẻ gỗ bán. Hiện tại, thôn có 10 cưa xăng đã được đưa về quản lý tập trung tại chốt kiểm lâm Lùng Pảng. Tuy nhiên, việc quản lý vẫn hết sức khó khăn.
Trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có 3 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép, phá hoại 1,38 ha rừng sản xuất. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản hơn 500 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, tăng 18 vụ so với năm 2013, xử phạt và thu nộp ngân sách hơn 7 tỷ đồng.
Theo lực lượng kiểm lâm Bắc Kạn, các vụ vi phạm khai thác lâm sản trái phép đều liên quan đến sử dụng cưa xăng. Nếu không được quản lý, sử dụng tốt, đúng mục đích, cưa xăng sẽ trở thành “hung thần” tàn phá những cánh rừng ở Bắc Kạn.
Khó quản lý
Trước thực trạng trên, từ tháng 10/2012, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành quy chế quản lý cưa xăng, phương tiện độ chế tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép tại các khu rừng đặc dụng. Theo đó, phạm vi áp dụng quy chế quản lý cưa xăng bao gồm 19 đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng lõi, vùng đệm của 3 khu rừng đặc dụng và thuộc địa bàn của 4 huyện (Ba Bể, Chợ Đồn, Na Rì, Bạch Thông).
Đến nay, theo số liệu của các ban quản lý rừng đặc dụng, tổng số cưa xăng các loại đã thống kê được là 1.048 chiếc ở địa bàn 19 xã; trong đó tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chiếm gần một nửa số cưa xăng. Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 688 chiếc, còn 360 chiếc chưa được cấp nhưng vẫn hoạt động; mới có 131 chiếc được đưa về quản lý tập trung.
Ông Hoàng Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn cho biết: Các cưa xăng được quản lý tập trung tại các trạm, chốt kiểm lâm và lập hồ sơ quản lý, theo dõi việc nhập, xuất cưa xăng. Khi xuất cưa xăng cho chủ sở hữu đem về sử dụng, cán bộ kiểm lâm ghi chép thời gian, địa điểm, mục đích sử dụng. Tại nhà các trưởng thôn, việc quản lý cũng được thực hiện tương tự. Thời gian đăng ký sử dụng từ 1 - 30 ngày, mục đích sử dụng chủ yếu là cắt củi, khai thác gỗ theo giấy phép, phát dọn thực bì. Tuy nhiên, có một số trường hợp không chấp hành đúng thời gian đăng ký sử dụng, sau khi sử dụng xong không mang cưa trở lại điểm quản lý tập trung.
Theo một số địa phương, quá trình thực hiện việc quản lý, theo dõi sử dụng cưa xăng còn một số bất cập như chưa có chế tài xử lý hộ dân không đưa ra quản lý tập trung; các chốt, trạm kiểm lâm còn xa khu dân cư nên người dân đi lại rất khó khăn; một số đối tượng khai báo gian dối, khai báo chủ sở hữu không rõ ràng… Các xã, vùng giáp ranh chưa có cơ chế, quy định việc sử dụng cưa xăng nên các đối tượng đã lợi dụng câu kết với bên ngoài đem máy sang để sử dụng.
Để cưa xăng được sử dụng đúng quy định, các cấp, các ngành ở Bắc Kạn cần tuyên truyền, vận động người dân đưa cưa xăng đến quản lý tập trung tại các chốt, trạm kiểm lâm và tại nhà trưởng thôn; gắn trách nhiệm với từng địa phương, cá nhân cụ thể… Ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt việc sử dụng cưa xăng của các chủ sở hữu; đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý cưa xăng tại các trạm, chốt kiểm lâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có nhu cầu sử dụng; kiên quyết tịch thu các cưa xăng đối với trường hợp các chủ sở hữu mang cưa xăng vào khu vực cấm. Các địa phương, đoàn thể xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ rừng; phát huy vai trò của các tổ quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh việc tạo sinh kế cho người dân vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc dụng...
Đức Hiếu