Tại Hội nghị chuẩn bị cho Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 9 với chủ đề: "Tăng cường minh bạch và Trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam", diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/5 tại Hà Nội, do Thanh tra Chính phủ, Sứ quán Thụy Điển phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức, các đại biểu cho rằng, cần chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản.
Nạp thuốc chuẩn bị nổ mìn phục vụ khai thác quặng tại mỏ đồng Sin Quyền (Lào Cai). |
Nhiều sai phạm
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, qua hàng nghìn lượt kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản, sai phạm trong quản lý và khai thác khoáng sản khâu nào cũng có. Từ ban hành văn bản khai thác khoáng sản, cấp phép, khai thác, bảo vệ môi trường đến các hoạt động quản lý khai thác, xuất khẩu khoáng sản.
Sai phạm chủ yếu trong hoạt động khai thác mỏ, hầu hết các địa phương và doanh nghiệp (DN) không chấp hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn trong khai thác. Điều này đã dẫn đến các tai nạn nghiêm trọng như tháng 4/2011, mỏ đá Lèn Cờ - Nghệ An cũng sập mỏ làm chết 18 người...
Một số địa phương cho phép đầu tư nhiều dự án chế biến hoặc chế biến sâu khoáng sản sắt, mangan, titan… chưa có trong quy hoạch mà không có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Tỉ lệ sai phạm trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất ở mức cao, có địa phương có trên 60% số mỏ được cấp phép chưa hoàn thành thủ tục thuê đất nhưng vẫn khai thác khoáng sản. Điển hình như Nghệ An, có 127 điểm mỏ/205 điểm mỏ phải thuê đất của 121 DN nhưng chưa làm thủ tục thuê đất. Một số tỉnh có hiện tượng chiếm dụng đất rừng cho hoạt động khai thác khoáng sản như mỏ than Na Rì chiếm 1.343 ha; mỏ vàng Bồng Miêu, Phước Sơn chiếm dụng 302,2 ha; mỏ khai thác cát, đá chiếm 184,33 ha; các mỏ khác chiếm 343,52 ha.
Lỗi do… cơ chế?
TTCP cho rằng cơ chế, chính sách còn nhiều lỗ hổng cũng dẫn đến sai phạm. Chẳng hạn đến nay vẫn chưa có Chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản Việt Nam làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong từng giai đoạn. Một số hoạt động khai thác khoáng sản (chủ yếu làm vật liệu xây dựng) theo hình thức thủ công, diễn ra phổ biến mà không thể ngăn cấm vì chưa có trong quy định quản lý hoạt động này trong Luật Khoáng sản. Hoặc tại Nghị định 59/CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện quy định: “than mỏ là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, nhưng không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”. TTCP cho rằng, đây chính là sơ hở để các cá nhân, DN lợi dụng mua bán hóa đơn GTGT, hợp pháp hóa nguồn than trái phép để bán, mang đi tiêu thụ, xuất khẩu tiểu ngạch.
Từ thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết, tình trạng cấp phép không theo quy hoạch, cấp phép tràn lan, chia nhỏ mỏ để cấp phép cho các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực, chưa có hồ sơ thiết kế mỏ diễn ra ở nhiều nơi. Hiện tượng DN khai thác sản lượng quá mức đăng ký, trong khi không đủ điều kiện chế biến sâu nên có tình trạng gian lận trong xuất khẩu.
Ông Thắng đề nghị: Tới đây, việc cấp phép khai thác khoáng sản phải lấy tiêu chí hiệu quả đóng góp vào ngân sách nhà nước, địa phương, đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống dân cư trên địa bàn lên hàng đầu. Thứ hai là cấm hẳn tình trạng xuất khẩu quặng thô. Đồng thời ban hành cơ chế thu hút công nghệ cao về chế biến khoáng sản. Cuối cùng, để ngăn chặn lợi ích nhóm, nên tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.
Ông Trịnh Xuân Bền, Cục Khoáng sản, Bộ TN&MT cho biết, Luật Khoáng sản mới có hiệu lực từ 1/7/2011 sẽ giải quyết cơ bản các sai phạm nêu trên. Từ nay đến 1/7, Bộ TN&MT sẽ phải hoàn thành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản. Luật mới sẽ quy định việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, giải quyết được tình trạng UBND tỉnh “cho ý kiến” là coi như DN có quyền khai thác, bất chấp chưa hoàn thành các thủ tục quy định. Hoặc Luật Khoáng sản mới cũng quy định các DN khai thác khoáng sản phải đóng tiền quyền khai thác. Nghĩa là cả DN đang có mỏ khai thác, kể từ ngày 1/7/2011 sẽ phải nộp tiền quyền khai thác theo trữ lượng mỏ (dự kiến khoảng 5% trữ lượng). “Chủ trương của Bộ TN&MT là nộp khoản tiền này ngay từ đầu. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng xin mỏ rồi không khai thác, nếu không khai thác sẽ bị thu lại”, ông Bền cho biết.
Xuân Hương