Thiếu tướng Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết: Dự báo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp, hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển gia tăng. Mặt hàng mà các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép chủ yếu là xăng, dầu, pháo nổ, khoáng sản, thuốc lá, hàng điện tử, đường cát, rượu, bia ngoại...; tập trung khu vực biển các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang...
Sau thời gian theo dõi, tuần tra, kiểm soát, vào lúc 9 giờ 40 phút, ngày 29/12/2022 trên vùng biển Tây Nam, cách Bắc đảo Nam Du khoảng 20 hải lý, lực lượng chức năng của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện tàu cá mang số hiệu TG-91387-TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn, đã ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra hành chính.
Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 5 thuyền viên, do ông Trần Vũ Huy, sinh năm 1988, địa chỉ thường trú tại 92 Nguyễn Thị Định, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng. Theo lời khai của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng 45.000 lít dầu DO, toàn bộ số dầu này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Tổ công tác của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, thiết lập hồ sơ ban đầu của vụ việc và niêm phong hàng hóa vi phạm; đồng thời, dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 401 tại thành phố Phú Quốc để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ buôn lậu xăng, dầu trên biển mà lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ trong năm 2022. Theo lực lượng trinh sát của Cảnh sát biển, tội phạm buôn lậu mặt hàng xăng, dầu hoạt động tập trung chủ yếu ở vùng biển có phần đất liền giáp ranh giữa Việt Nam với Campuchia...
Ngoài ra, tại các vùng biển giáp ranh với Malaysia, Brunei cũng xuất hiện các điểm nóng mua bán xăng, dầu trái phép... Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là sử dụng tàu cá cải hoán hoặc tàu hậu cần nghề cá để vận chuyển dầu trái phép; số lượng nhỏ lẻ hơn những năm trước. Khi bị phát hiện, truy đuổi, đối tượng sẵn sàng bơm dầu, xả ra biển, giảm tải trọng tàu để tiêu hủy tang vật hoặc tăng tốc chạy sang vùng biển nước ngoài. Quá trình mua, bán, sang mạn thường tổ chức cảnh giới chặt chẽ; làm giả hồ sơ, hợp thức hóa giấy tờ và thường xuyên thay đổi hành trình.
Theo Đại tá Lương Đình Hưng, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật, BTL Cảnh sát biển, không chỉ mặt hàng xăng, dầu; đối với mặt hàng thuốc lá điếu, các đối tượng lợi dụng chủ trương tạm nhập, tái xuất; sử dụng xuồng công suất lớn để vận chuyển và tập kết hàng tại các khu vực bến bãi sát biên giới. Khi gặp điều kiện thuận lợi thì vận chuyển vào Việt Nam. Địa điểm giao, nhận hàng thường là tại các khu vực vắng người để dễ bề tẩu thoát. Thời gian vận chuyển thường là chập tối, nửa đêm, gần sáng và thường xuyên thay đổi địa điểm để né tránh lực lượng chức năng.
Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng tổ chức giám sát hoạt động của lực lượng chống buôn lậu, sử dụng phương tiện hiện đại để thông tin cho nhau. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm.
Cũng theo Đại tá Lương Đình Hưng, đáng chú ý, hiện đã gia tăng hoạt động vận chuyển các mặt hàng để chuẩn bị phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 như: Rượu, bia ngoại, đường cát, pháo nổ, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng... Lợi dụng hoạt động nhập khẩu chính ngạch để trà trộn hàng lậu, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trong nước; câu kết giữa các đối tượng chở hàng thuê trên tàu vận chuyển hàng hóa giữa các nước (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia) khi qua vùng biển Việt Nam, bán cho các đầu nậu, vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ.
Trên vùng biển Tây Nam, gần đây các đối tượng đẩy mạnh vận chuyển trái phép các mặt hàng thuốc lá, mỹ phẩm, rượu ngoại, đường cát từ Campuchia về Việt Nam. Việc mua bán, vận chuyển hàng đông lạnh, rượu ngoại tại vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là vùng biển giápranh giữa Việt Nam và Trung Quốc).
Thiếu tướng Vũ Trung Kiên cho biết: Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã quán triệt, triển khai tháng cao điểm phòng chống buôn lậu trước, trong và sau Tết nguyên đán Quý Mão 2023 với các biện pháp như: Tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ bám nắm địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến tinh hình, nắm chắc phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng và tổ chức có liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản, hàng tiêu dùng thiết yếu...
Tăng cường lực lượng, phương tiện các khu vực biên, địa bàn trọng điểm, tập trung vào các khu vực biển Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ và các địa bàn có liên quan. Tổ chức chốt chặn, mật phục, đón lõng trên các tuyến, vùng biển trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ tàu thuyền, đối tượng vi phạm. Tiến hành điều tra, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, hồ sơ chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
“Trong thời gian cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 diễn ra từ 1/12/2022 đến 28/2/2023, lực lượng Cảnh sát biển quyết tâm tổ chức đấu tranh bắt giữ từ 2 - 3 vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển; từ 2 - 3 vụ án về ma túy. Phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trưởng… trao đổi thông tin, tài liệu về các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Đấu tranh, bắt giữ, điều tra, xác minh và xử lý vụ án, vụ việc”, Thiếu tướng Vũ Trung Kiên nhấn mạnh.
Các cơ quan, đơn vị trong lực lượng Cảnh sát biển như BTL Vùng CSB, Đoàn Trinh sát, Đoàn Đặc nhiệm phỏng chống tội phạm ma túy tăng cường tàu, thuyền dẫn giải phương tiện vi phạm, bản giao vụ việc canh giữ, điều tra, xác minh và xử lý theo quy định. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết, tự giác chấp hành pháp luật, nhất là các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định và tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy và các hoạt động an ninh trật tự trên biển. Kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm với lực lượng Cảnh sát biển.
Phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân ven biển. Làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt phòng trào “Bốn tốt, Bốn không, Bốn chống" theo Chỉ thị số 212/CT-ĐU của Ban Thương vụ Đảng ủy Cảnh sát biển.
Trong năm 2022, toàn lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.035 vụ với 1.228 đối tượng (tăng 274 vụ với 241 đối tượng so với năm 2021). Trong đó khởi tố 86 vụ với 93 đối tượng. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và ước tính giá trị tang vật tịch thu trên 80 tỷ đồng.