Để triệt phá những vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên biển thành công, công tác trinh sát, nắm chắc địa bàn là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng cảnh sát biển (CSB) Việt Nam. Thiếu tá Trần Văn Lượng, Cụm trưởng Cụm trinh sát số 1, Cục CSB Việt Nam đã trao đổi với PV Tin tức quanh vấn đề này.
Thưa thiếu tá, trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên biển, vấn đề nổi cộm nhất của Cụm trinh sát số 1 là gì?
Thời gian qua, lực lượng CSB Việt Nam rất quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt là việc đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại. Trên vùng biển Vịnh Bắc bộ, vùng biển bắc miền Trung là những địa bàn thuộc đơn vị Cụm trinh sát số 1 đảm nhiệm có thể nói rất khó khăn, phức tạp. Hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại trên đất liền đã vất vả, nhưng ở ngoài biển còn khó khăn gấp nhiều lần. Vì những điều thuận lợi ở đất liền thì ngoài biển không có.
Ngày 19/12/2012 Vùng CSB3 đã bắt giữ tàu Việt Hải (Công ty CP Dầu khí Việt Hải) chở hơn 1.000 m3 xăng chưa rõ nguồn gốc, không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ, tổng giá trị gần 25 tỷ đồng. Đây là vụ vi phạm lớn xảy ra trên khu vực biển thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Quân – CSBVN |
Trước những vấn đề nêu trên, Cụm trinh sát số 1 đã quán triệt sự chỉ đạo của Cục CSB và các kế hoạch của cấp trên, làm tốt công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên xác định quyết tâm tấn công tội phạm, nhất là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Địa bàn vùng biển các tỉnh phía Bắc và bắc miền Trung được coi là địa bàn trọng điểm về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Các đối tượng sử dụng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng địa hình, thời tiết, thời gian đêm tối hay sóng gió… để tổ chức buôn lậu. Những năm gần đây các đối tượng còn lợi dụng cả những hồ sơ hàng hóa buôn bán trong nội địa, vận chuyển hóa đơn từ đất liền ra biển chờ thời cơ để hợp thức hóa việc buôn lậu và gian lận thương mại và xu hướng này đang ngày càng gia tăng.
Phải chăng các đối tượng đã lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất để thực hiện những hành vi buôn lậu?
Không riêng việc lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất, các đối tượng buôn lậu còn chuẩn bị cả những hóa đơn sẵn để thực hiện hành vi buôn lậu, trốn thuế gây khó khăn rất nhiều cho các cơ quan chức năng đấu tranh xử lý sau này. Các đối tượng này tận dụng mọi thời tiết, không gian, thời gian để thực hiện hành vi buôn lậu gây không ít khó khăn cho lực lượng CSB khi thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt là những mặt hàng như quặng sắt, titan… vận chuyển từ các tỉnh miền Trung ra Quảng Ninh, Hải Phòng, chúng còn chuẩn bị sẵn các hồ sơ nhằm “phù phép” cho hành vi buôn lậu để qua mắt các lực lượng chức năng. Khi bắt được một vụ buôn lậu dùng chứng từ giả, khó khăn nhất của lực lượng CSB là đấu tranh, xác minh các đối tượng.
Khi xử lý, kiểm tra trên biển kết hợp với việc xác minh những giấy tờ hàng hóa của chủ tàu ở trên bờ là rất khó. Có những vụ việc khi lực lượng CSB kiểm tra vào ban đêm, phát hiện có những nghi vấn, khi liên hệ vào đất liền để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ thì có nhanh cũng phải một vài ngày sau mới có kết quả phản hồi. Đây là một trở ngại rất lớn cho lực lượng CSB khi thực thi nhiệm vụ.
Về mặt pháp lý, trong thời gian tới, Nhà nước cần xây dựng các văn bản pháp luật đáp ứng được với những điều kiện thực tiễn để xử lý dứt điểm việc hợp thức hóa những hóa đơn, chứng từ. Đây là vấn đề tồn tại rất lâu nhưng những văn bản pháp luật chưa đáp ứng kịp, mà thực tế là chưa có văn bản pháp luật nào bổ sung hoặc sửa đổi hay xây dựng mới để đáp ứng những đòi hỏi của thực tế trong việc chống buôn lậu và gian lận thương mại trên biển.