Có người tin và làm theo các hướng dẫn tuyển dụng đã bị sập bẫy, mất tiền trong tài khoản cá nhân. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên khuyến cáo người lao động có nhu cầu việc làm cần cảnh giác với các thủ đoạn tuyển dụng này.
“Bạn có muốn tìm hiểu mức vốn và hoa hồng của thành viên mới tham gia nhận đơn hàng không ạ. Thành viên mới sẽ có 2 mức vốn tham gia nhận đơn hàng để bạn lựa chọn gói vốn phù hợp. Gói đơn hàng 1: nạp 160k, sau khi hoàn thành đơn hàng rút về 210k. Gói đơn hàng 2: Nạp 400k, sau khi hoàn thành đơn hàng rút về 550k”. Đây là một nội dung tin nhắn từ một tài khoản mạng xã hội Zalo có tên H.T gửi đến người dùng để tuyển cộng tác viên bán hàng.
Còn đây là nội dung một tin nhắn iMessager gửi đến số điện thoại của chị N.T.A.L (phường 9, thành phố Tuy Hòa): “Công ty TiKToK tuyển nhân viên làm tại nhà! Mỗi ngày kiếm ít nhất 900k. Người mới sẽ có nhân viên hướng dẫn công việc. Chỉ cần có thời gian rảnh là đều có thể làm việc...”
Từ những tin nhắn mời gọi như thế này, chị P.D.H ở thành phố Tuy Hòa đã làm cộng tác viên bán hàng online và bị lừa mất hơn 100 triệu đồng. Chị H cho biết: Họ đưa cho mình những mặt hàng như mũ nón, giày dép... rồi đánh lừa giống như đang tương tác với một trang bán hàng. Bước đầu chỉ nộp 120 nghìn đồng, sau đó họ mời mình vào “phòng VIP” để có thu nhập cao hơn. Mình chuyển vào 5 triệu đồng thì họ lại nói phải hoàn thành thêm ba nhiệm vụ nữa. Mình tin và làm theo vì họ lập riêng một nhóm chat có rất nhiều tương tác.
Kết quả, chỉ trong một ngày số tiền chị H. đã nộp vào nhóm bán hàng này là hơn 178 triệu đồng nhưng không thể lấy lại được. Chị H. suy sụp tinh thần vì mất nhiều tiền cho các đối tượng lừa đảo. Chị mong những người khác không bị lừa giống như mình. Thế nhưng một số đối tượng lừa đảo vẫn quảng cáo rầm rộ, công khai trên mạng xã hội, thậm chí không ngại quay cả video để mời chào tuyển nhân viên, công tác viên bán hàng.
Người lao động được khuyến cáo hết sức cảnh giác trước những thông tin tuyển dụng có mức thu nhập quá cao nhưng thông tin người tuyển dụng lại không rõ ràng. Để tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân nên đến những địa chỉ giới thiệu việc làm tin cậy.
Theo ông Đinh Khắc Đô, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên: Nắm bắt được nhu cầu tìm việc của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã liên tục sử dụng các hình thức tuyển dụng trên mạng xã hội... Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao đối với lao động vì thông tin tuyển dụng thiếu sự xác thực. Trong bối cảnh dịch COVID-19, một số doanh nghiệp cũng áp dụng hình thức tuyển dụng trực tuyến nhưng có địa chỉ website chính thức, thủ tục yêu cầu đơn giản như: nộp đơn xin việc, phỏng vấn chứ không yêu cầu nộp các khoản phí. Để có thông tin việc làm tốt nhất, người lao động nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm. Hiện nay tại Phú Yên có hai địa điểm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Tỉnh Đoàn quản lý. Ở đây có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, ngành nghề, mức lương, điều kiện làm việc...
Cùng với việc đề cao cảnh giác, thông tin cảnh báo, người lao động mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý những đối tượng sử dụng thủ đoạn tuyển dụng để lừa đảo để không có thêm những người bị mất tiền oan và làm minh bạch thị trường lao động khi phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.