Cảnh báo tình trạng mạo danh tài khoản Facebook thu gom sổ bảo hiểm để trục lợi

Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội liên tục xuất hiện các đối tượng mạo danh tài khoản Facebook mang tên Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương mua sổ bảo hiểm của công nhân để trục lợi trong đợt dịch COVID-19.

Để tìm hiểu vấn đề, phóng viên TTXVN đã vào tài khoản Facebook mang tên Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, cho thấy xuất hiện nhiều thông tin về việc mua sổ bảo hiểm xã hội, trong đó ưu tiên người bán sổ bảo hiểm xã hội ở khu vực Thành phố Hồ Chi Minh và tỉnh Bình Dương. Tài khoản này còn nhiệt tình hướng dẫn, dụ dỗ người bán sổ bảo hiểm có sổ hộ khẩu tại các địa phương trong cả nước, trực tiếp giao dịch và nhận tiền tại phòng công chứng.

Chị Dương Thị Hồng Loan là công nhân trong khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Do hoàn cảnh gia đình có mẹ đang bệnh nặng nên chị xin nghỉ làm việc để có thời gian về quê chăm sóc mẹ. Trước khi đến làm thủ tục nghỉ việc tại cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, chị Loan có nghe thông tin về việc có người tìm mua, thu gom sổ bảo hiểm của những người đang thất nghiệp. Chị Dương Thị Hồng Loan cho biết, sáng 10/4/2020, chị có nghe thông tin về việc một số người đối tượng trên mạng xã hội hỏi mua sổ bảo hiểm nhưng chị nghi ngờ không bán, vì sợ bị thiệt thòi.

Để làm rõ hơn về thông tin tài khoản Facebook mang tên Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đang rao mua và thu gom sổ bảo hiểm của công nhân, phóng viên TTXVN đã làm việc với lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương khẳng định, đến thời điểm hiện tại cơ quan này không có và sử dụng tài khoản Facebook chính thức nào, các tài khoản Facebook lấy tên Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đều là giả mạo.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cũng đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đề nghị có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật đối với những tài khoản mạo danh trên. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã có công văn gửi Công an tỉnh Bình Dương đề nghị vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ, Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn của Bình Dương xem xét kỹ khi tiếp nhận các hồ sơ giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội đảm bảo đúng theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm tránh các trường hợp giả mạo trục lợi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đồng thời tiếp tục theo dõi tình hình giả mạo của các tài khoản Facebook trên mạng, có báo cáo kịp thời để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương yêu cầu Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố phải kiểm tra, theo dõi sát sao vấn đề liên quan đến ủy quyền nộp sổ Bảo hiểm xã hội và hồ sơ giải quyết chế độ 1 lần. Đối với người đến làm thủ tục hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần có ủy quyền phải nắm rõ lý do. Nếu bất cứ người lao động nào đem từ 2 cuốn sổ Bảo hiểm xã hội trở lên theo hình thức nhận ủy quyền đến làm thủ tục hưởng 1 lần thì phải rà soát lại ngay. Trước khi giải quyết chế độ, cần liên hệ chủ sổ hoặc làm việc cụ thể với người nhận. Những trường hợp cùng lúc mang nhiều sổ Bảo hiểm xã hội theo hình thức nhận ủy quyền đến làm chế độ, cơ quan Bảo hiểm xã hội kiên quyết từ chối và xác minh, làm rõ có dấu hiệu mua bán, cầm cố hay không, nếu có phải báo cơ quan Công an xử lý.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương, người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội trước cho đối tượng và ủy quyền cho đối tượng hưởng chế độ là chỉ vì khoản tiền mặt trước mắt, mà người lao động bị thiệt hại về quyền lợi, vì đối tượng xấu chỉ mua lại số với giá trị chỉ bằng 40 - 50% giá trị mà đúng ra họ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Ngoài ra, nếu sổ bảo hiểm xã hội đó chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau nghỉ việc, trong thời gian cầm cố không lấy sổ bảo hiểm xã hội ra được sẽ không kịp hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Gỡ bỏ 186 trang thông tin mạo danh thương hiệu Viettel trên Facebook
Gỡ bỏ 186 trang thông tin mạo danh thương hiệu Viettel trên Facebook

Ngày 9/4, Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, Viettel đã phối hợp cùng Facebook gỡ bỏ hoàn toàn 186/186 trang thông tin (fanpage) được coi là mạo danh thương hiệu Viettel trên Facebook.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN