Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới 'Tuyển mẫu nhí chụp ảnh làm đại diện thương hiệu'

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới “Tuyển mẫu nhí chụp ảnh làm đại diện thương hiệu”.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, gần đây một số đối tượng sử dụng hình thức tuyển cộng tác viên qua các website và sàn thương mại điện tử lớn trong nước để lôi kéo người dân tham gia thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng này quảng cáo trên các website, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber về việc “Tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu”. Sau đó, sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau để lừa đảo người dân, doanh nghiệp.

Trước thực trạng trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đến người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, các số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản này thương nhắm đến các bậc phụ huynh có con nhỏ, đang sinh sống tại các thành phố lớn Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh để quảng cáo về việc các website, sàn thương mại điện đang cần tuyển mẫu nhí chụp ảnh làm đại diện thương hiệu.

Các đối tượng này sử dụng tính năng chạy quảng cáo của mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber,… nhóm lừa đảo sẽ kết bạn và mời tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang.

Sau khi cha hoặc mẹ “cắn câu”, chúng sẽ đưa vào một nhóm/group chat để mời các cha mẹ tham gia trở thành cộng tác viên online dưới hình thức mua sắm các sản phẩm của sàn thương mại điện tử khác để hưởng hoa hồng và tăng khả năng trúng tuyển của con mình. Nhiệm vụ của các cộng tác viên online là tham gia làm nhiệm vụ mua sản phẩm số tiền tăng dần và chuyển khoản vào tài khoản do chúng quản lý.

Cụ thể hơn, các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn với các nhiệm vụ do cộng tác viên online thực hiện lần thứ thứ nhất, thứ hai sẽ trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ rất đầy đủ (bao gồm tiền gốc đã chuyển khoản + hoa hồng từ 10-15%) vào tài khoản người tham gia (cộng tác viên online) để tạo tin tưởng. 

Hầu hết các nạn nhân (cộng tác viên online) chỉ bị phát hiện lừa đảo sau khi đã chuyển khoản cho các đối tượng này từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mà không nhận lại được tiền gốc và bị chúng xóa ra khỏi các nhóm trao đổi.

Do đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công An khuyến cáo tới người dân, doanh nghiệp không tham gia vào các nhóm tuyển cộng tác viên online về tuyển mẫu nhí khi chưa có thông tin xác thực, đặc biệt là thông tin chính thức từ các thương hiệu.

Không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Viber… không quen biết.

Ngoài ra, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cần cảnh báo/thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, website và trang mạng xã hội của doanh nghiệp...) về những hành vi lừa đảo nêu trên trên để người dân biết và phòng tránh.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa và trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu về hành vi thủ đoạn như trên.

Uyên Hương (TTXVN)
Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu nông sản sang thị trường UAE
Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu nông sản sang thị trường UAE

Ngày 17/7, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, gần đây, Hiệp hội nhận được phản ánh của một doanh nghiệp hội viên về việc nghi bị lừa đảo khi xuất khẩu điều nhân sang thị trường UAE.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN