Các hình thức sở hữu phù hợp với thực tiễn

Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới quy định về sở hữu và quyền sở hữu nhằm điều chỉnh các quan hệ hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, phần “quyền sở hữu và các vật quyền khác” là phần mới được xây dựng trong dự thảo nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về vấn đề này.

BLDS hiện hành liệt kê 6 hình thức sở hữu gồm: sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu chung, sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội và sở hữu của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Dự thảo lần này chỉ quy định có 3 hình thức sở hữu: sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng. Theo ông Dương Đăng Huệ, quy định mới này để phù hợp với tinh thần của Điều 53 Hiến pháp 2013, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Phùng Trung Tập, ĐH Luật Hà Nội cho rằng hình thức sở hữu quy định trong dự thảo liên quan tới việc xác định chủ thể tác động lên một quyền nào đó. Nhà nước cũng là một chủ thể độc lập, ngoài sở hữu Nhà nước còn có các hình thức sở hữu riêng khác như sở hữu cá nhân của các công ty, doanh nghiệp; sở hữu chung như sở hữu chung của vợ chồng, sở hữu chung theo phần, sở hữu chung hỗn hợp… PGS.TS Phùng Trung Tập đánh giá dự thảo Bộ luật đưa ra 3 hình thức sở hữu là chính xác và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định hai hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng vì sở hữu toàn dân thực chất cũng chỉ là sở hữu chung. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho rằng, sở hữu toàn dân là sở hữu đối với một số tài sản đặc biệt như đất đai, tài nguyên… và do Nhà nước đại diện sở hữu, chứ không hoàn toàn giống với sở hữu chung. “Do vậy, nếu coi sở hữu toàn dân là một hình thức cụ thể của sở hữu chung là “tầm thường hóa” về vị trí chính trị, kinh tế, quốc phòng… của sở hữu toàn dân”, ông Dương Đăng Huệ nhấn mạnh.

Từ góc độ thực tiễn, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị, phải sửa đổi các qui định về sở hữu chung nếu không sẽ phát sinh nhiều vấn đề vì sở hữu chung thường có một hoặc nhiều mục đích và các chủ thể không có quyền như nhau, chẳng hạn sở hữu nhà chung cư.


Thu Phương


Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Nhằm chủ động cung cấp thông tin góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc Tọa đàm “Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN