Những năm qua, Biên phòng TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành tốt nhiệm bảo vệ an ninh cửa khẩu cảng và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh với địa bàn quản lý chạy dọc theo hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp với chiều dài khoảng 150km cùng với 59 cảng, 103 cầu cảng và 99 bến phao trên 2 luồng hàng hải ở khu vực nội địa. Hàng ngày, tại khu vực cửa khẩu cảng có từ 50 - 70 lượt tàu ra vào neo đậu, chưa kể có hàng trăm lượt phương tiện thuỷ loại nhỏ và có hàng chục ngàn lượt phương tiện vận tải đường bộ ra vào các cảng.
Bắt kịp xu thế hội nhập và phát triển
Là đơn vị đi đầu về cải cách thủ tục hành chính với chủ trương “tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch tại cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh”, bằng nhiều giải pháp hiệu quả, Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thủ tục Biên phòng điện tử, góp phần tiết kiệm thời gian và nhân lực trong công tác thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian, công sức, tiền bạc của doanh nghiệp và người dân.
Xác định cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết thủ tục biên phòng là yêu cầu tất yếu trong tình hình mới, từ năm 2001, Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh triển khai bước đi ban đầu là chủ động khai báo thủ tục biên phòng thông qua hộp thư điện tử, tạo tiền đề báo cáo lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát triển kế hoạch xây dựng cổng thông tin điện tử Biên phòng cảng biển.
Đây là cơ sở quan trọng để Biên phòng TP Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả Quyết định 22/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển với 7 cảng biển trên cả nước, trong đó có cảng biển TP Hồ Chí Minh.
Ngày 3/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 10/2016/QĐ-TTg về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển có hiệu lực từ 18/4/2016 và Quyết định 15/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Đây là bước đột phá mới nhằm minh bạch, công khai, hiệu quả trong công tác thủ tục Biên phòng, vừa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, vừa đảm bảo thông thoáng về thủ tục và yêu cầu của công cuộc hội nhập và phát triển; qua đó đã được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.
Theo Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1/7/2018, công tác thủ tục biên phòng điện tử được kết nối với Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia và từ ngày 1/11/2018, Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh đã chính thức dừng phương thức thủ công đối với tàu thuyền xuất cảnh, nhập cảnh (vào, rời cảng), quá cảnh và chuyển cảng.
Hiện Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh chỉ áp dụng phương thức thủ công trong trường hợp hệ thống cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử, Cổng thông tin một cửa quốc gia không hoạt động hoặc tàu thuyền không đủ điều kiện làm thủ tục biên phòng điện tử.
Hàng ngày, Đội Thủ tục (Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận và giải quyết hàng trăm hồ sơ nhập cảnh người và hàng hóa của các hãng tàu biển vào khu vực cảng đơn vị quản lý. Để đáp ứng yêu cầu trên, Đội Thủ tục đã phát triển và thiết kế được rất nhiều phần mềm áp dụng rất hiệu quả trong quản lý tàu thuyền đến và đi, phần mềm kiểm soát người ra vào cảng, phần mềm cấp giấy phép và phần mềm quản lý Visa, thẻ đi bờ cho thuỷ thủ, thuyền viên; riêng phần mềm quản lý thẻ Visa, thẻ đi bờ đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đánh giá rất cao và được nhân rộng và áp dụng trong hệ thống cảng biển cả nước.
Thiếu tá Trần Trọng Mỹ, nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tại khu vực cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh mỗi ngày có hàng chục lượt tàu ra vào neo đậu cũng như lưu lượng hành khách, thuyền viên xuất nhập cảnh ở cảng rất là nhiều, chiếm phần lớn xuất nhập cảnh của cả nước. Theo quy trình kiểm soát thủ công khi chưa có các ứng dụng công nghệ cải cách thủ tục hành chính thì lượng khách, thuyền viên qua chốt kiểm soát đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Xuất phát từ tình hình trên, tôi đã nghiên cứu, phát triển công nghệ mã vạch để tạo một ứng dụng quản lý hành khách, người xuống tàu, thuyền viên đi bờ”.
“Việc ứng dụng công nghệ mã vạch giúp lưu trữ được tất cả thông tin của hành khách, thuyền viên hay người lên xuống tàu vào máy với tốc độ nhanh hơn so với tốc độ kiểm soát thủ công và giúp việc tra cứu thông tin được thuận lợi, nhanh chóng và tránh tình trạng ùn tắc người ra vào các chốt kiểm soát các tàu trọng điểm như tàu khách, tàu du lịch; đồng thời tạo ra hiệu ứng văn minh, hiện đại trong công tác kiểm soát, tạo hình ảnh tốt về cảng TP Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam trước khách du lịch và quốc tế cũng như thuyền viên, cán bộ nhân viên xuống tàu làm việc”, Thiếu tá Trần Trọng Mỹ cho biết thêm.
Ứng dụng tạo thuận lợi thương mại
Thượng tá Nguyễn Văn Đĩnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ từ làm thủ tục, giám sát trực tiếp tại tàu chuyển sang giám sát khu vực, thủ tục theo cơ chế một cửa một dấu tại trụ sở Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về cảng biển, Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh nghiên cứu áp dụng CNTT thực hiên thành công “khai báo Biên phòng điện tử qua hộp thư điện tử”. Điều này đã tiết kiệm được thời gian và nhân lực trong công tác thủ tục xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút ngắn thời gian, công sức, tiền bạc của doanh nghiệp và người dân”.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Đĩnh, gần đây nhất, Bộ Tư lệnh Biên phòng ban hành Quyết định 803 về quy trình thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng, cấp các loại giấp phép tại cửa khẩu cảng đã có rất nhiều thay đổi; đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, áp dụng CNTT thực hiện nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát biên phòng cũng như thủ tục biên phòng điện tử cảng biển phù hợp với xu thế phát triển công nghệ 4.0 và tiến tới 5.0 đối với các nước khu vực Đông Nam Á và châu Á, cũng như trên thế giới.
“Trong những năm tới, đơn vị đã và đang đề xuất với cấp trên mở các lớp kết nối liên thông với các đơn vị đào tạo về CNTT, về ngoại ngữ cho cán bộ Biên phòng Cửa khẩu cảng để đáp ứng kịp thời với tình hình phát triển công nghệ mới cũng như công nghệ 4.0 và phù hợp hòa nhập, hội nhập với các khu vực, các cảng của Asean và các quốc gia trên thế giới; thu hút được các đơn vị doanh nghiệp, các hãng tàu lớn các quốc gia trên thế giới vận chuyển vận tải hàng hóa đến Việt Nam. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã nghiên cứu xây dựng các phần mềm hỗ trợ cho công tác báo cáo, thống kê, in ấn các loại giấy phép; tra cứu thông tin về tàu, thuyền viên, hành khách, người ra vào hoạt động tại khu vực cửa khẩu cảng đã bảo đảm nhanh chóng hơn, chính xác hơn và tiến hành cập nhật được ngay khi cần tra cứu, thống kê. Công tác cấp giấy, thu lệ phí cũng cụ thể rõ ràng, minh bạch hơn”, Thượng tá Đĩnh chia sẻ.
Theo Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, đơn vị cũng thường xuyên giáo dục, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, tư duy về cải cách thủ tục hành chính với tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đối với cán bộ làm công tác thủ tục tại cửa khẩu cảng, phải nắm rõ và thực hiện tốt các nội dung quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về cửa khẩu, tránh tình trạng thực hiện nhiệm vụ sai quy trình, nguyên tắc gây phiền hà cho các cá nhân, doanh nghiệp; đồng thời kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ đảm bảo về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu cảng trong tình hình mới.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực biển, Công ty SOTRAS JSC gắn liền với các hoạt động thủ tục tại cảng biển của TP Hồ Chí Minh cùng các địa phương trong cả nước. Anh Nguyễn Văn Hoàng, Công ty SOTRAS JSC, cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ đã tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp. Sau khi tàu cập cảng cũng là thời gian hoàn thành thủ tục nhập cảnh, thuyền viên được phép đi bờ, các hoạt động khác được tiến hành ngay sau khi tàu cập cảng an toàn”.
Thượng tá Nguyễn Văn Đĩnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển đã đạt được kết quả, mục đích đề ra. Giảm thiểu được thời gian neo đậu tại cảng chờ hoàn thành thủ tục của người, phương tiện; giảm thiểu tối đa các loại giấy tờ; tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí cầu bến neo đậu, hao mòn máy móc phương tiện… Đồng thời, việc thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển cũng đã đẩy nhanh tiến độ xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, qua đó thu hút ngày càng nhiều các hãng tàu trên thế giới đến cảng biển Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tại cảng; khai thác hiệu quả năng lực cảng biển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.
Trong quý I năm 2023, Biên phòng Cửa khẩu cảng Thành phố Hồ Chí Minh đã làm thủ tục xuất nhập cảnh, chuyển cảng đến đi, phương tiện thủy nội địa đăng ký đến đi cho hơn 3.500 lượt tàu hàng (với hơn 70.000 lượt thuyền viên, trên 25 triệu tấn hàng hóa); có 14 lượt tàu khách và 3 tàu quân sự nhập cảnh với 6.222 thuyền viên và 5.679 hành khách; 4 tàu khách chuyển cảng đến và 6 tàu khách chuyển cảng đi…
Ngoài ra, Biên phòng Cửa khẩu cảng cũng đã cấp 3.181 giấy thị thực; giấy phép xuống tàu là 4.373 giấy; giấy phép cập mạn cho 720 giấy; thẻ đi bờ 7.804 giấy; giấy phép nghỉ qua đêm 1.862 giấy…