Bào chữa cho Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), luật sư Giang Hồng Thanh thay mặt bị cáo gửi lời xin lỗi chân thành tới 35.824 trái chủ. Vì sự cố xảy ra mà bị cáo đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại. Theo luật sư Thanh, nếu không vướng vào vụ án này bị cáo sẽ trả đầy đủ gốc, lãi cho các trái chủ bởi rất nhiều người là họ hàng của mình và là cán bộ, nhân viên thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Về cáo buộc Trương Mỹ Lan phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Thanh cho rằng, người phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải có ý thức chiếm đoạt trước khi chuyển hóa hành vi thành việc chiếm đoạt. Tuy nhiên, bị cáo không có ý chiếm đoạt tài sản vì 6 gói trái phiếu do 4 doanh nghiệp phát hành đều chưa tới hạn thanh toán tại thời điểm bị cáo bị bắt.
Cụ thể, gói trái phiếu Công ty An Đông 11.969 tỷ đồng và gói trái phiếu Công ty An Đông 3.000 tỷ đồng đồng hạn thanh toán là ngày 10/9/2023. Gói trái phiếu Công ty An Đông 10.000 tỷ đồng, ngày đến hạn thanh toán là 24/12/2023. Gói trái phiếu Công ty Quang Thuận 1.500 tỷ đồng, ngày đến hạn là 27/12/2023. Gói trái phiếu Công ty Sunny Word 2.500 tỷ đồng hiện nay dư nợ 1.612 tỷ đồng, ngày đến hạn là 24/10/2023 và gói trái phiếu Công ty Setra 2.000 tỷ đồng ngày đến hạn là 31/8/2025. Trương Mỹ Lan bị bắt vào ngày 6/10/2022 nên bị cáo không có cơ hội cùng với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán cho các trái chủ.
Về tài sản khắc phục hậu quả, luật sư Thanh liệt kê có 8 nguồn chính và 3 nguồn phụ. Đó là 420 tỷ đồng do gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp khắc phục hậu quả; 15.712 tỷ đồng từ các đơn vị phát hành trái phiếu; 784 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 18% cổ phần của Liên doanh Vietcombank; 638 tỷ đồng từ việc hợp tác phát triển Khu đô thị Sing-Việt; 1.000 tỷ đồng cho Nguyễn Văn Liêm vay; 1.000 tỷ đồng qua 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tỉnh Quảng Ninh do 1 ngân hàng phải trả; 21.000 tỷ đồng do thu hồi từ vụ án giai đoạn 1; 12.313 tỷ đồng là giá trị quy đổi tài sản đang bị kê biên phong tỏa. Như vậy, tại giai đoạn này, Lan đang có 55.868 tỷ đồng có thể khắc phục toàn bộ gói trái phiếu 30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ.
Ngoài ra, bị cáo Lan còn 3 nguồn dự phòng để khắc phục hậu quả. Đó là 3.250 tỷ đồng liên quan đến dự án Tiến Phát sau khi trừ đi các nghĩa vụ tồn đọng của vụ án; 130 triệu USD (tương đương 3.000 tỷ đồng) từ tòa nhà 29 Liễu Giai (Hà Nội) và 7.000 tỷ đồng từ Khu tứ giác Bến Thành thông qua Tập đoàn Novaland.
Từ những phân tích nêu trên, luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Trương Mỹ Lan; thu hồi số tiền 15.712 tỷ đồng mà các ngân hàng đang sử dụng có nguồn gốc từ trái phiếu để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án. Đối với các tài sản của người nhà bị cáo, không liên quan đến vụ án, Hội đồng xét xử trả lại như đề nghị của bị cáo.
Về cáo buộc Trương Mỹ Lan phạm tội “Rửa tiền”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp lập luận, theo quy định của Bộ luật Hình sự thì hành vi rửa tiền phải xuất phát từ tội phạm nguồn. Trong vụ án này, cùng một hành vi rút tiền, sử dụng tiền nhưng bị cáo Lan bị xử lý tội danh “Tham ô tài sản” ở giai đoạn 1 và tội “Rửa tiền” ở giai đoạn 2; cùng một hành vi phát hành trái phiếu, chiếm đoạt tiền và sử dụng tiền không đúng mục đích nhưng bị cáo Lan cũng bị truy tố hai hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” ở giai đoạn 2.
Theo luật sư Thiệp, chứng cứ hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa thể hiện bị cáo Trương Mỹ Lan không đề xuất và đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu mà thông qua đề xuất của Nguyễn Phương Hồng. Do đó, cáo trạng quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan đưa ra chủ trương, chỉ đạo phát hành trái phiếu để chiếm đoạt tiền của trái chủ là chưa phù hợp. Mục đích của phát hành trái phiếu là hỗ trợ cho Ngân hàng SCB và hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trên thực tế có những khoản chi phục vụ hoạt động của Ngân hàng SCB như chi phụ cấp cho kế toán của Ngân hàng nhưng tất cả được nhập lại và quy kết cho bị cáo Trương Mỹ Lan về hành vi “Rửa tiền”.
Cũng theo luật sư Thiệp, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan hoàn toàn không biết các nguồn tiền từ hành vi “Tham ô tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, không nhận thức số tiền từ phạm tội từ đâu mà có, do đó không có cơ sở để xác định bị cáo cố tình che giấu, chuyển tiền phạm tội thành tiền hợp pháp. Với nhận thức và mức độ sai phạm như vậy, luật sư Thiệp xin Hội đồng xét xử xem xét có xử lý bị cáo Lan thêm tội danh “Rửa tiền” hay không.
Đối với số liệu tiền chuyển ra nước ngoài trong hành vi “Rửa tiền”, luật sư Thiệp đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá lại vì có sự chênh lệch giữa số tiền chuyển tiền ra nước ngoài bằng tiền đô la Mỹ khác với số tiền quy đổi ra tiền Việt Nam đồng.
Trả lời tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan đồng ý với với quan điểm bào chữa của các luật sư đã trình bày. Trong suốt thời gian tự bào chữa, bị cáo Lan nhiều lần bật khóc, cho rằng mình và đồng phạm đã làm mọi việc để cứu Ngân hàng SCB và những sai phạm xảy ra là do “tai nạn”. Bị cáo nhận thấy mức án chung thân mà đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị đối với bị cáo là quá nghiêm khắc vì thực tế bị cáo và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoàn toàn không sử dụng số tiền phát hành trái phiếu.
Đối với mức nghị án của 33 đồng phạm, Trương Mỹ Lan cũng cho rằng quá nghiêm khắc và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo này. Riêng đối với 9 bị cáo đang tại ngoại, Lan xin Hội đồng xét xử cho các bị cáo đó được tiếp tục tại ngoại để họ có điều kiện chăm sóc gia đình.
Bị cáo Lan cam kết sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả cho các bị hại và đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi các khoản tiền bị cáo đã chuyển cho các đối tác và các khoản tiền mà họ đã vay mượn của bị cáo.
Phiên tòa tiếp tục làm việc vào ngày 7/10/2024 với phần bào chữa tiếp theo của các luật sư.