Mở đầu phần tự bào chữa, bị cáo Trương Minh Tuấn gửi lời xin lỗi đến nhân dân, đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước bởi hành vi của bị cáo đã gây ra dư luận rất xấu, ảnh hưởng đến cán bộ công chức ngành thông tin truyền thông. Bị cáo Trương Minh Tuấn bộc bạch, suốt hơn 41 năm công tác, gần 40 năm tuổi Đảng, bị cáo phấn đấu không biết mệt mỏi, từ những mảnh đất gian khổ đến những nơi địa đầu của Tổ quốc, bị cáo luôn nghĩ phải làm tốt công tác của người cán bộ đảng viên song chỉ vì sai sót mà vẫn vướng vòng lao lý. “Đây là những lời bào chữa cay đắng nhất cho biến cố bi thảm nhất trong cuộc đời tôi” – bị cáo Trương Minh Tuấn chua xót nói.
Giống như nhiều bị cáo khác, bị cáo Trương Minh Tuấn nhất trí về hai tội danh mà bị cáo bị truy tố và cho rằng bản luận tội của Viện Kiểm sát đã phân hóa rõ vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo trong vụ án. Cho rằng vai trò phạm tội đã rõ trong cáo trạng nhưng bị cáo Tuấn muốn bào chữa thêm cho rõ hơn chứ không có nghĩa là đổ tội cho người khác. “Tôi bào chữa là trên cơ sở còn lương tâm. Phiên tòa này có thể kết thúc nhưng tòa án lương tâm sẽ bám theo chúng tôi mãi mãi, đó là điều đau khổ nhất mà tôi mang theo suốt cuộc đời”, bị cáo Tuấn trình bày.
Bị cáo Tuấn cho biết bị cáo mới chuyển sang công tác tại Bộ Thông tin và Truyền thông từ đầu năm 2014. Sai phạm trong vụ án không phải là do năng lực yếu kém mà là do đây là lĩnh vực hoàn toàn mới và nhiều nặng nề. Việc ký Quyết định 236 là sai phạm đáng tiếc, ngoài mong muốn của bị cáo. Quá trình điều tra, truy tố và xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Tuấn đã nhận thức rõ hơn các góc khuất của vụ án mà trước kia khi đương chức bị cáo không nhận ra. Cụ thể, trong vụ án này đã sai ở tất cả các khâu, các thời điểm, sai từ trên xuống dưới, sai về giá mua và trình tự tiến hành dự án.
Bị cáo Trương Minh Tuấn nêu, sau khi vụ án bị thanh tra, bị cáo Tuấn (khi đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp đầy đủ nhất thông tin vụ án cho cơ quan điều tra, đồng thời phối hợp tìm cách thu hồi tiền về cho Nhà nước một cách nhiều nhất, khắc phục hậu quả tối đa.
Nói về tội danh “Nhận hối lộ”, bị cáo Tuấn nói rất “xấu hổ và đây là nỗi nhục của chúng tôi”. Bị cáo cho rằng nhận hối lộ bằng bất kỳ hình thức nào, hoàn cảnh nào, thời điểm nào, quà biếu hay tiền đều là phạm tội. Hiểu rõ điều đó nên bị cáo đã động viên gia đình nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ trong vụ án này, khắc phục hoàn toàn hậu quả trong vụ án.
Tại bản luận tội, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với bị cáo Tuấn từ 8 đến 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Tuấn đánh giá mức án này ở mức thấp, mức dưới khung hình phạt, song bị cáo vẫn đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xem xét giảm án hơn nữa để bị cáo cũng như các bị cáo khác sớm có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, làm người có ích cho xã hội. Bị cáo Tuấn phân tích ở hành vi “Nhận hối lộ” là tội danh ít người khai ra, vì chỉ có ít người biết, khó chứng minh được. Vì thế, bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử và pháp luật tha thứ, xem xét giảm hình phạt hơn nữa cho các bị cáo đã thành khẩn khai nhận tội trong hành vi này, để làm gương, khuyến khích những người phạm tội ở các vụ án khác chưa thành khẩn sẽ thấy đây là động lực để khai báo hành vi vi phạm.
Cuối phần bào chữa của mình, bị cáo Trương Minh Tuấn đề nghị: “Việc trừng phạt là cần thiết song cần nâng cao tính giáo dục để mọi người sống theo pháp luật. Đây là vụ án kinh tế hy hữu khi đã thu hồi được toàn bộ tài sản cho nhà nước kể cả chi phí phát sinh và chi phí tính lãi. Việc xem xét giảm nhẹ cũng là để các vụ án kinh tế khác lấy đó làm gương để khắc phục tối đa tiền về cho Nhà nước”. Bị cáo Tuấn mong Hội đồng xét xử tha thứ, khoan hồng cho các bị cáo, trong đó có các bị cáo là thành viên của MobiFone vốn là những cán bộ có năng lực chuyên môn, tạo điều kiện cho họ sớm trở lại cộng đồng, tiếp tục được đóng góp.