Báo động tình trạng đeo bám, cướp giật du khách

Hiện nay, tình trạng đeo bám và cướp giật nhằm vào khách du lịch ở mức báo động, đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tình trạng này cần sớm có sự vào cuộc của chính quyền địa phương.

 

Hiện trạng đáng báo động


Theo phản ánh của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bên cạnh tình trạng lừa đảo, chèo kéo du khách tại các điểm du lịch, thì trên các diễn đàn du lịch của mạng xã hội đang cảnh báo về tình trạng cướp giật xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, gây tình trạng sợ hãi và hình ảnh không tốt về du lịch Việt Nam.


 

Tình trạng chèo kéo khách mua đồ lưu niệm ngay trong khu vực chùa Bái Đính (Ninh Bình).

 

Anh Đỗ Quang Ba, hướng dẫn viên (HDV), kể lại: “Tháng trước, khi dẫn đoàn khách đến Nhà hát múa rối nước Trung ương, vừa xuống xe, những người bán hàng rong đã chen vào để chèo kéo khách. Có một du khách chụp ảnh xong để máy ảnh vào túi, nhưng dây thò ra ngoài, thế là một người bán hàng rong giật lấy và chạy. Do đông quá nên đuổi không kịp, từ đó cả đoàn đều lo sợ bị cướp giật. Vị khách ấy đã khóc vì mất chiếc máy camera có giá trị thì ít mà tiếc nuối vì đã chụp bao nhiêu ảnh kỷ niệm về Việt Nam thì nhiều”.


Anh Ba còn cho biết, một số điểm du lịch thường xuyên xảy ra tình trạng hàng rong đeo bám. Điển hình như tại cổng Văn Miếu. Theo trình tự, khách sẽ tập trung tại cổng để nghe giới thiệu tổng thể, nhưng HDV không thể thực hiện được việc này bởi người bán hàng rong, xe ôm ngay lập tức đổ xô vào quây lấy khách, làm khách sợ chạy tán loạn, nơm nớp ôm chặt túi. “Có lần HDV nhắc nhở người bán hàng rong thì bị phản ứng, bị chửi bới và có HDV đã bị đánh đập. Đây là vấn đề bức xúc mà chính quyền sở tại địa phương cần phải giải quyết ngay”, anh Đỗ Quang Ba cho biết.


Theo phản ánh của nhiều HDV, tại TP Hồ Chí Minh sợ nhất là tình trạng người bán hàng rong đi xe máy chèo kéo rồi thấy khách sơ hở là cướp giật cũng xảy ra khá nhiều. Khu vực diễn ra các hoạt động này là khu chợ Bến Thành, công viên 23/9... Hoặc đón khách trước cửa khách sạn mời chào đi mátxa rồi lừa khách cuỗm đồ chạy mất.


Tại Hội nghị đối thoại giữa Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho biết: Tính bình quân, Vietravel một tháng có 5 - 7 vụ khách bị cướp giật. Sở VHTTDL TP Hồ Chí Minh thống kê tháng gần đây có 68 vụ cướp giật nhằm vào du khách. Đó là chưa kể có những vụ khách bị cướp giật mà không trình báo. Đây là điều đáng báo động vì nó làm mất hình ảnh du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn.

 

Chính quyền địa phương phải vào cuộc


Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Tình trạng mất an toàn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các điểm du lịch phản ánh tình trạng chung của xã hội do kinh tế khó khăn, suy thoái đạo đức, dẫn đến cướp giật. Có điều cướp giật đang nhằm vào du khách và theo phản ánh của doanh nghiệp, tình trạng này ở Thành phố Hồ Chí Minh là rất đáng báo động. Không có ngày nào là không có khách du lịch mất giấy tờ, phải đến lãnh sự quán làm lại. Tệ nạn xã hội này không khác gì xua khách đi khỏi Việt Nam và việc khách đến không quay trở lại là điều dễ hiểu.


Anh Đỗ Quang Ba, HDV, cho biết: “Chúng tôi luôn cảnh báo khách những vấn đề thường gặp, nhưng vẫn rất khó tránh bởi vừa xuống xe là đã bị hàng rong bao vây. Tình trạng diễn ra vào ngày tự do đi mua sắm của khách nên nhiều du khách chọn giải pháp là ở trong khách sạn cho an toàn, khiến ngành dịch vụ và mua sắm bị thất thu.


Nhiều HDV phản ánh, để giải quyết vấn đề này chính quyền địa phương phải vào cuộc vì thực tế, những đối tượng cướp giật thường luẩn quẩn quanh điểm du lịch đều dễ nhận biết. Vấn đề là lực lượng an ninh sở tại có kiên quyết dẹp hay không. Tình trạng bị cướp giật sau đó thường được thông tin lên các trang mạng xã hội và điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh du lịch Việt Nam.


Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ TP Hồ Chí Minh cho rằng: Để xảy ra tình trạng chèo kéo, cướp giật tài sản của du khách, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền cơ sở và điểm du lịch. Về lý mà nói, với những điểm du lịch mà du khách đã bỏ tiền ra mua vé và đồng nghĩa với việc đóng thuế cho địa phương thì địa phương và điểm du lịch đó phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho du khách. Nếu để tình trạng cướp giật, móc túi trong khu vực điểm du lịch thì các khu điểm du lịch phải đền cho khách vì khách đã trả tiền mua vé.


Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng: “Đối với tình trạng này, về phía quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đặt đây là vấn đề cần giải quyết và đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành về vấn đề này. Tuy nhiên, đây là vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều. Chính vì vậy, chúng tôi đã thường xuyên đôn đốc nhắc nhở địa phương, đồng thời lập đường dây nóng để nhận thông tin và xử lý kịp thời. Rõ ràng bảo đảm môi trường sinh thái, môi trường xã hội quyết định chất lượng dịch vụ và chất lượng điểm đến. Các địa phương cần có biện pháp quyết liệt trong xử lý vi phạm và ý thức của cộng đồng”.


Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN