Tại Đại hội Ban chấp hành khóa VII (nhiệm kì 2018 - 2023) của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam diễn ra ngày 19/6 tại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội, ông Vũ Văn Cường cho biết: Nhìn lại giai đoạn 2013 - 2018, ngành thuốc lá Việt Nam chịu nhiều thách thức từ thuốc lá nhập lậu. Bình quân sản lượng tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lên đến hơn 700 triệu bao mỗi năm, có thời điểm chiếm đến 25% thị phần, làm thất thu ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
"Tuy nhiên, lượng thuốc lá thu giữ được chỉ bằng khoảng 1% trong số này", ông Vũ Văn Cường cho biết.
Trên thực tế, công tác đấu tranh chống lại hoạt động buôn lậu thuốc lá phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đường biên giới Việt Nam rất dài, hiểm trở, nhất là biên giới Tây Nam. Đây là "cửa ngõ" của thuốc lá lậu, đặc biệt là dòng Zet và Hero, tràn vào nội địa. Các đối tượng buôn lậu thuốc lá rất manh động, sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, vẫn chưa xoá được tình trạng một bộ phận dân cư sống gần biên giới có hành vi tiếp tay hoặc tham gia vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ qua biên giới.
Tỷ lệ thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ rất thấp, còn vì tổng số lượng thuốc lá lậu tuồn vào Việt Nam rất cao. Do các đối tượng buôn lậu không phải chịu bất kì loại thuế nào nên giá thuốc lá lậu rẻ hơn nhiều so với thuốc sản xuất trong nước hoặc thuốc nhập khẩu chính ngạch. Rất nhiều người dân vẫn mua thuốc lá lậu sử dụng, khiến nhu cầu về loại thuốc nhập lậu tăng, kích thích hành vi nhập lậu.
Theo ông Phan Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt, "muốn chống thuốc lá lậu phải có giải pháp đồng bộ từ phía cung và phía cầu, không chỉ chống buôn lậu ở biên giới mà còn phải chống việc bày bán công khai thuốc lá nhập lậu trên thị trường để người tiêu dùng muốn mua cũng khó khăn".
Trong khi đó, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, tân Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam khóa VII, lý giải việc thu giữ thuốc lá lậu bị đình trệ năm qua là do chính sách. Số thuốc bắt được không biết xử lý ra sao, khiến các địa phương cũng nảy sinh tâm lý chần chừ.
Cụ thể, ngày 26/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2018 quy định về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để xuất khẩu. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/6/2018.
Sau một thời gian triển khai Quyết định này, hơn 6 triệu bao thuốc lá bị các lực lượng chức năng bắt giữ đã tồn lại vì không tái xuất được, cũng như không tiêu hủy được. Nguyên nhân bởi việc mời cơ quan có thẩm quyền đánh giá chất lượng thuốc lá nhập lậu theo quy định là rất khó khăn. Chi phí thuê cơ quan chuyên môn đánh giá chất lượng thuốc lá rất cao, dẫn đến việc xử lý theo Quyết định 20 bị kéo dài.
Bên cạnh đó, thuốc lá nhập lậu, ngoài nhãn hiệu JET và HERO, còn rất nhiều chủng loại, nhãn hiệu ngoại khác. Trong khi đó, tiêu chí xác định chất lượng thuốc lá hiện hành chỉ áp dụng với thuốc lá sản xuất trong nước hoặc thuốc lá nhập lậu theo tiêu chuẩn nội địa của Việt Nam. Những tiêu chí này không phù hợp để xác định chất lượng thuốc lá ngoại nhập lậu, từ đó khó có cơ sở xác định điều kiện thuốc lá như thế nào được phép đấu giá tái xuất ra nước ngoài.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ về việc thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu bị tịch thu cần tiêu hủy toàn bộ, điều này sẽ giúp giải tỏa ách tắc trên. Ngành thuốc lá sẽ đóng góp hỗ trợ lực lượng chức năng chống thuốc lá lậu hiệu quả hơn thông qua cơ chế của Quỹ hỗ trợ phòng chống buôn lậu thuốc lá", đại diện Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam chia sẻ.