Vụ chặn tàu USS Cowpens: Mỹ - Trung vẫn thiếu niềm tin chiến lược

Vụ tàu USS Cowpens vừa qua cho thấy sau rất nhiều năm nỗ lực đàm phán về một hiệp định an toàn hàng không và hàng hải, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa làm sao gây dựng được niềm tin chiến lược cũng như sự hiểu biết lẫn nhau. Vẫn còn đó một hố sâu ngăn cách khá lớn trong quan hệ song phương Mỹ - Trung.

Vụ tàu Cowpens cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn thiếu niềm tin chiến lược. Ảnh: thediplomat.com


Trước đó, hôm 26/11, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc rời cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông xuống Biển Đông lần đầu tiên. Liêu Ninh được hộ tống bởi hai tàu khu trục Thẩm Dương và Thạch Gia Trang cùng 2 tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài và Duy Phường. Trang mạng chính thức của Hải quân Trung Quốc đưa tin, nhiệm vụ của đội tàu này là "tiến hành nghiên cứu khoa học, khoan quân sự và thử nghiệm".

Hành trình của tàu Liêu Ninh tại khu vực hải phận quốc tế đã bị giám sát chặt chẽ bởi tàu chiến USS Cowpens (CG-63), một tàu tuần dương lớp Ticonderoga, trang bị tên lửa hành trình của Mỹ.

Ngày 5/12, một chiếc tàu trong đội bảo vệ tàu Liêu Ninh đã phát liên lạc vô tuyến, yêu cầu tàu Cowpens rời khỏi khu vực đang hoạt động. Tàu USS Cowpens trả lời rằng mình đang ở hải phận quốc tế, do đó từ chối thay đổi hành trình.

Ngay lập tức, Cowpens bị một trong số 4 tàu bảo vệ của Liêu Ninh đuổi kịp rồi đột ngột dừng chắn ngang trước mặt ở cự ly cách mũi nó chỉ khoảng 500 mét. Chiếc Cowpens lúc này buộc phải bẻ lái khẩn cấp để tránh va chạm.

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, một nguồn tin "nắm được sự việc" cho hay chiếc USS Cowpens đã đi sâu vào vùng bảo vệ bán kính 40km của tàu Liêu Ninh.

Nguồn tin này cũng cáo buộc rằng "chiếc USS Cowpens đã bám đuôi và trêu tức đội hình bảo vệ tàu Liêu Ninh. Và chính nó đã có những hành vi gây hấn đối với đội tàu Liêu Ninh trước".

Trong khi đó, sau khi sự việc xảy ra, chính phủ Mỹ đã đưa ra những phản đối với chính phủ Trung Quốc bằng cả kênh ngoại giao và quốc phòng.

Đồng thời, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố, "vụ việc cho thấy sự cần thiết phải có những chuẩn mực trong giao thông hàng hải, bao gồm việc trao đổi thông tin để tránh những rủi ro, tai nạn".

Lật lại lịch sử quan hệ, người ta thấy rằng cách đây 16 năm, Mỹ đã lần đầu tiên đề nghị Trung Quốc ký kết một thỏa thuận về an toàn hàng không và hàng hải. Vấn đề này lại được đưa ra vào tháng 10/1997 tại cuộc gặp giữa Tổng thống Bill Clinton và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Kết quả hai bên đạt được là một thỏa thuận đồng ý tổ chức Các cuộc Đối thoại Tham vấn Quốc phòng (DCT) thường xuyên và để hoàn tất thỏa thuận an toàn hàng không và hàng hải quân sự.

Cuộc hội đàm DCT giữa hai bên được tổ chức 3 tháng sau đó tại Lầu Năm Góc. Hai bên đã vạch ra bản thảo thỏa thuận trên. Vào tháng 1/1998, hai bên chính thức ký kết Thỏa thuận giữa hai Bộ Quốc phòng Mỹ - Trung Quốc về Thiết lập một Cơ chế Tham vấn nhằm đảm bảo an toàn Hàng hải Quân sự. Thỏa thuận này thường được viện dẫn như là Thỏa thuận Tư vấn Hàng hải Quân sự Mỹ-Trung Quốc (MMCA).

Cuộc DCT dự kiến tổ chức vào tháng 5/1999 đã bị phía Trung Quốc trì hoãn sau vụ NATO đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, Nam Tư.

Sau đó, DCT lại tiếp tục bị phía Mỹ tạm dừng hai năm sau sự kiện xảy ra vào tháng 4/2001 khi mà một chiếc phản lực F-8 của hải quân Trung Quốc va chạm với một máy bay do thám hải quân EP-3 của Mỹ ở không phận quốc tế trên khu vực biển Đông. Vụ va chạm khiến chiếc EP-3 buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.

Vụ tai nạn khiến Mỹ và Trung Quốc phải tổ chức một cuộc gặp đặc biệt đầu tiên theo thỏa thuận MMCA tại đảo Guam vào tháng 9/2001 với mục đích ngăn chặn các tại nạn tương tự.

Phía Mỹ nêu các vấn đề: nguyên tắc về bay an toàn và dẫn đường đối với hoạt động quân sự tại các vùng biển khơi, không phận quốc tế và vùng Đặc quyền Kinh tế, sự an toàn trong hoạt động hàng không và hàng hải trong khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, 12 năm đã trôi qua, hai bên vẫn không đạt được bất cứ tiến bộ nào về các vấn đề này. Nếu không, vụ việc tàu USS Cowpens có lẽ đã không xảy ra.

Vì MMCA bị đình trệ, đầu năm 2005, Mỹ và Trung Quốc lại cùng nhau thiết lập một cơ chế Đối thoại Chính sách Đặc biệt nhằm giải quyết các vấn đề chính sách quốc phòng không liên quan tới MMCA. Đối thoại Chính sách An ninh đã dẫn tới việc thành lập cơ chế Hội đàm Hợp tác Chính sách Quốc phòng chính thức vào tháng 12/2006.

Tuy nhiên, quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc một lần nữa lại bị cản trở sau vụ tàu USNS Impeccable vào tháng 3/2009. Theo phía Mỹ, 5 tàu chiến Trung Quốc đã có hành vi khiêu khích tàu USNS Impeccable tại khu vực hải phận quốc tế ở biển Đông, buộc tàu Impeccable phải bẻ lái khẩn cấp để tránh va chạm.

Kể từ đó, Trung Quốc đưa ra yêu cầu buộc Mỹ phải giải quyết 3 tồn tại trong quan hệ quân sự giữa hai nước nếu muốn thúc đẩy quan hệ quân sự song phương, bao gồm: chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan, bãi bỏ các điều khoản thuộc đạo luật Thẩm quyền An ninh Quốc phòng có từ năm 2000 mà theo Trung Quốc đã cản trở 12 lĩnh vực hợp tác quân sự, và chấm dứt các hoạt động do thám tại khu vực Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc. Đồng thời Bắc Kinh cũng hạ DCT xuống cấp chuyên viên.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Sunnylands hồi tháng 6 vừa qua đã mở đường cải thiện quan hệ quân sự song phương.

Tại hội nghị DCT lần thứ 14 đã được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 9/9, hai bên đã thảo luận cách thức xây dựng niềm tin chiến lược, thiết lập những lĩnh vực hợp tác gồm an toàn hàng hải, nâng cấp liên lạc để tránh hiểu lầm. Hội nghị kết thúc với việc giao những vấn đề này cho nhóm chuyên gia của hai bên. Tuy nhiên, khi nhóm chuyên gia này chưa hoàn thành xong nhiệm vụ của mình, vụ tàu chiến hai bên suýt va chạm một lần nữa lại xảy ra.

Trong lúc mà Mỹ và Trung Quốc vẫn còn những nghi kỵ cũng như thiếu niềm tin chiến lược, những va chạm cả về hàng hải và hàng không tại khu vực biển Đông trong tương lai chắc chắn vẫn sẽ gây căng thẳng trong quan hệ hai nước.


Lê Hoàng (theo the Diplomat)

Mỹ bức xúc vụ chiến hạm Trung Quốc chặn tàu trên biển Đông
Mỹ bức xúc vụ chiến hạm Trung Quốc chặn tàu trên biển Đông

Sự việc một chiến hạm hải quân Trung Quốc ra lệnh cho tàu chiến trang bị tên lửa hành trình của Mỹ phải dừng lại ngay trên vùng hải phận quốc tế vừa qua đã khiến quan hệ giữa hai bên càng trở nên căng thẳng hơn.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN