Viễn cảnh chông gai của Tổng thống Brazil

Đúng như dự đoán, đương kim Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã giành chiến thắng sít sao trước đối thủ duy nhất là chính trị gia Aécio Neves thuộc Đảng Xã hội dân chủ (PSDB) trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai hôm 26/10. Đây được xem là chiến thắng vang dội của bà Dilma Rousseff và Đảng Lao động (PT) khi cuộc bầu cử vừa qua được nhiều người coi là cuộc trưng cầu dân ý về sự lãnh đạo của PT trong suốt 12 năm cầm quyền.

Tổng thống Dilma Rousseff (giữa) vẫy chào những người ủng hộ tại Brasília. Ảnh: AFP-TTXVN


Điều đó có nghĩa là người dân vẫn đặt niềm tin và hy vọng vào nữ tổng thống. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc nữ chính khách cánh tả này sẽ tiếp tục gánh trên vai những trách nhiệm nặng nề, trong đó có việc khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, chống tham nhũng và giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội.

Khác với thời điểm 4 năm trước khi lên cầm quyền trong điều kiện thuận lợi nhờ kế thừa những thành tựu của người tiền nhiệm Lula da Silva, bà Rousseff bước vào nhiệm kỳ hai với viễn cảnh nhiều “chông gai”. Sau giai đoạn phát triển tăng vọt trong thập kỷ trước đưa hơn 40 triệu người thoát khỏi nghèo đói, nền kinh tế Brazil đã tăng trưởng chậm lại, sụt giảm mạnh kể từ năm 2011 và bắt đầu rơi vào suy thoái từ đầu năm nay.

Mức tăng trưởng kinh tế từ 4% dưới thời cựu Tổng thống Lula da Silva giảm xuống chỉ còn khoảng 1,5%/năm. Ngân hàng trung ương Brazil mới đây còn hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 xuống còn 0,7% - một thành tích bị đánh giá là kém cỏi đối với một nền kinh tế lớn như Brazil.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), hoạt động đầu tư trong năm 2013 của Brazil chỉ chiếm 18% GDP, thấp nhất trong số những quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Trong khi đó, lạm phát ở mức cao 6,5%, buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất nhiều lần trong thời gian qua. Sức tiêu thụ của người dân cũng giảm mạnh mặc dù tiêu thụ nội địa là một trong những động cơ chính của nền kinh tế quốc gia này.

Trong cương lĩnh tranh cử, bà Rousseff cam kết đẩy mạnh cải cách hệ thống thuế, thúc đẩy đà phục hồi trong giai đoạn hậu “bão” tài chính và duy trì kiểm soát đối với Ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, giới kinh doanh cho rằng nữ chính khách cánh tả cần “thay máu” đội ngũ cố vấn kinh tế và thực hiện một số thay đổi trong chính sách theo hướng thân thiện hơn với thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc bà Rousseff sẽ phải cân nhắc giảm sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, để kích thích đầu tư và tăng trưởng.

Trong khi Brazil đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái cùng với lạm phát cao, áp lực về việc giải quyết các nhu cầu xã hội cũng trở nên nặng nề khi người dân ngày càng yêu cầu chính quyền đẩy mạnh cải thiện dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, tăng ngân sách giáo dục và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Mặc dù Brazil đã đạt được nhiều tiến bộ về phương diện xã hội, nhưng do trong 10 năm qua có tới hàng chục triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, họ phải đóng thuế và chia sẻ gánh nặng xã hội nhiều hơn nên cũng đòi hòi nhà nước phải có những bước tiến rõ rệt trong cải thiện các dịch vụ công. Tuy nhiên, việc tăng chi tiêu cho các chương trình xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu giảm chi ngân sách của chính phủ.

Một khó khăn nữa mà chính trị gia gốc Bulgaria này sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ tới là tình trạng bất bình đẳng xã hội lớn và sự phân hoá giàu nghèo sâu sắc. Một điều không thể phủ nhận là dù xuất thân từ tầng lớp da trắng trung lưu, nhưng trong suốt nhiệm kỳ đầu, bà Rousseff luôn chú trọng tới các chính sách an sinh xã hội và vấn đề sắc tộc.

Những người ủng hộ Tổng thống Dilma Rousseff mừng chiến thắng tại Brasília. Ảnh: AFP-TTXVN


Các chương trình an sinh xã hội như Bolsa Familia - hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con tới trường - đã tạo được những khác biệt lớn và mang lại nhiều lợi ích cho một bộ phận không nhỏ người dân, trong đó 80% đối tượng được hưởng lợi là người da màu và cộng đồng đa sắc tộc.

Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng xã hội ở Brazil vẫn ở mức nghiêm trọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài hơn một năm qua ở quốc gia Nam Mỹ này. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thu nhập của 10% số người giàu Brazil gấp 50 lần 10% số người nghèo.

Trong khi đó, gánh nặng nợ hộ gia đình có xu hướng tăng, kèm theo lạm phát cao cũng tác động không nhỏ đến đời sống của người dân dù lương tối thiểu đã được điều chỉnh cao hơn, đặc biệt với những thành phần vừa thoát nghèo nhờ những biện pháp hỗ trợ xã hội.

Không những phải giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, Tổng thống Rousseff còn phải đối phó với tình trạng tham nhũng tràn lan. Mới đây nhất, việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil Petrobras bị cáo buộc nhận hối lộ từ công ty nước ngoài và chi tiêu quá mức cho các nhà máy lọc dầu trong nước làm rung chuyển chính trường và khiến người dân bất bình.

Trong vụ bê bối tham nhũng này, hàng chục nghị sĩ trong liên minh cầm quyền bị cáo buộc nhận hối lộ để ưu ái cho Petrobras “ôm” nhiều dự án cũng như thị trường cung cấp, phân phối dầu khí và các sản phẩm hóa dầu. Vụ việc không những làm "vấy bẩn" hình ảnh đảng PT cầm quyền và tập đoàn Petrobras, mà còn ảnh hướng đến uy tín của đương kim tổng thống bởi vào thời điểm vụ việc xảy ra, bà Rousseff là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Giới phân tích nhận định để có thể giải quyết vấn nạn tham nhũng và khôi phục niềm tin của người dân, việc chính quyền cần làm trong nhiệm kỳ hai là thực hiện đầy đủ những cam kết trong cương lĩnh tranh cử, bao gồm đẩy mạnh các đạo luật chống tham nhũng, trừng phạt các quan chức không minh bạch thu nhập và tài sản, ủng hộ các cuộc tham vấn công luận về tiến trình cải cách chính trị.

Tất cả những vấn đề trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó khôi phục kinh tế và chống tham nhũng được đánh giá là hai vấn đề then chốt. Việc giải quyết các vấn đề trong nước cũng sẽ giúp Brazil có thêm nguồn lực để bảo vệ các lợi ích quốc gia và củng cố vị thế trên trường quốc tế. Để làm được điều đó, nhà lãnh đạo Rousseff cần phải nỗ lực và mạnh tay hơn nữa trong việc thực hiện hiệu quả những cải cách chính trị và kinh tế.
 

Phương Oanh
Tổng thống Brazil tái đắc cử
Tổng thống Brazil tái đắc cử

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đương kim Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ngày 26/10, cho phép Đảng lao động (PT) theo đường lối cánh tả kéo dài thời gian cầm quyền lên ít nhất 16 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN