Vì sao IEA mở kho dự trữ chiến lược dầu mỏ?

Báo Les Echos (Pháp) ngày 27/6 nhận xét, quyết định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa thêm 60 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu lửa ra thị trường để bù đắp lượng dầu thiếu hụt, được xem là bước chuyển chiến lược của tổ chức này, ngay trước thời điểm ra đi của Tổng Giám đốc IEA Nobuo Tanaka. Mỹ sẽ cung cấp một nửa lượng dầu, khoảng 30 triệu thùng, trong khi Pháp đóng góp 3,2 triệu thùng.

Tại sao IEA lại hành động ở thời điểm này? Là tổ chức bảo vệ lợi ích của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), IEA khẳng định muốn tránh giá dầu tăng cao trong bối cảnh kỳ nghỉ mùa hè đến gần sẽ làm tăng lượng nhiên liệu tiêu thụ ở các nước phương Bắc và lượng dầu do Libi sản xuất đang bị đình trệ. IEA cũng nhấn mạnh, một lượng lớn các nhà máy lọc dầu đã vận hành trở lại ở châu Âu, làm tăng các nhu cầu về nguồn cung dầu thô.

Được tạo ra trong những năm 1970, các kho dự trữ chiến lược có nhiệm vụ đảm bảo tối thiểu 90 ngày nhập khẩu dầu cho toàn bộ 28 nước thành viên của IEA. Ban đầu, việc hình thành những kho dự trữ này nhằm đối phó với tình trạng dừng đột ngột nguồn cung ứng dầu. Tuy nhiên, mục tiêu hướng đến không phải nhằm điều tiết giá. Trong quá khứ, những kho dự trữ này chỉ được sử dụng hai lần: Khi Irắc xâm lược Côoét năm 1990 - 1991 và sau khi một số cơ sở dầu lửa trong Vịnh Mêhicô bị cơn bão Katrina phá hủy năm 2005.

Với lượng dự trữ 4,1 tỉ thùng, các kho dự trữ dầu này được xem là một "dạng vũ khí hạt nhân", có khả năng răn đe và được sử dụng trong trường hợp đặc biệt. Nhìn lại quá khứ để thấy quyết định mới đây tung dầu ra thị trường của IEA rõ ràng mang tính chính trị và cho thấy sự lo lắng của các nước công nghiệp phát triển trước tác động của giá dầu thô đối với tăng trưởng kinh tế. Tại Pháp, chính phủ ngay lập tức thông báo quyết định này góp phần làm giảm giá dầu và cải thiện sức mua của các hộ gia đình.

Tại Mỹ, chính quyền nước này thậm chí sẵn sàng rút thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược nếu cần thiết.

Vậy trong trung hạn, tác động từ quyết định của IEA đến đâu? Trước hết, nó sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa các nước sản xuất và tiêu thụ dầu lửa, giáng đòn mạnh mẽ vào Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ngay sau quyết định của tổ chức này không tăng hạn ngạch sản xuất dầu vào ngày 8/6. Nó cho thấy ảnh hưởng vẫn còn đầy đủ của IEA, từng bước tác động đến cả Trung Quốc và Ấn Độ. Sự can thiệp này cũng làm suy yếu thêm mối quan hệ giữa Mỹ và Arập Xêút. Đến nay, Arập Xêút đóng vai trò không kém phần quan trọng trong quản lý tình trạng khủng hoảng trên thị trường dầu lửa nhờ vào năng lực sản xuất được đánh giá hơn 12 triệu thùng dầu/ngày. Quyết định can thiệp vào thị trường của IEA đã đặt Arập Xêút vào tình huống tế nhị. Phần lớn các nhà phân tích cho rằng nó sẽ khiến Arập Xêút hạn chế tăng sản lượng dầu trong những tháng tới.


Tuy nhiên, đối với thị trường trong trung hạn, quyết định của IEA có những hạn chế nhất định. Sự can thiệp của IEA chỉ mang tính ngắn hạn, có tác dụng trong thời gian ngắn trong khi chính tổ chức này đánh giá tình hình sản xuất dầu của Libi sẽ không thể đạt mức 1,6 triệu thùng dầu/ngày (thời điểm trước cuộc chiến) trước năm 2013. Theo nhiều chuyên gia phân tích, nếu Arập Xêút không tiếp sức, thị trường dầu mỏ có thể rất căng thẳng ngay từ năm 2012. Còn về dài hạn, quyết định của IEA có thể sẽ làm thay đổi tâm lý của thị trường, đồng thời sẽ khiến các nhà đầu cơ dè dặt hơn.

Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN