Sau khi giành thắng lợi vang dội tại cả 3 bang gồm Washington, Alaska và Hawaii trong cuộc bầu cử sơ bộ hôm 26/3 vừa qua, ông Sanders đã tự tin tuyên bố rằng các quan chức trong đảng Dân chủ - các "siêu đại biểu" hay "đại cử tri" (những người có quyền tham dự đại hội đảng toàn quốc và không bị ràng buộc phải ủng hộ ứng cử viên tổng thống nào dựa trên tỷ lệ phiếu bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang của họ), sẽ quay sang ủng hộ ông. Gần đây, phe của ông Sanders cũng tiết lộ có "hàng tá" siêu đại biểu đã bí mật cam kết ủng hộ ứng cử viên 75 tuổi này, nhưng không nêu danh tính cụ thể.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN hôm 27/3, ông Sanders đã đề cập đến chủ đề này khi tuyên bố "động lực đang ở phía chúng ta" và "rất nhiều siêu đại biểu có thể thay đổi lập trường”. Ban vận động tranh cử của ông Sanders đã quả quyết rằng chiến dịch vận động tranh cử của cựu đệ nhất phu nhân đang có vấn đề và các siêu đại biểu sẽ bắt đầu quay sang ủng hộ ông Sanders.
Cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton (phải) và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (trái) trong một cuộc tranh luận tại Florida. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trưởng ban vận động tranh cử của ứng viên Sanders, ông Jeff Weaver, tuyên bố: "Có vài trăm siêu đại biểu hiện chưa đưa ra cam kết ủng hộ ai. Sẽ rất dễ dàng cho họ khi cam kết ủng hộ bà Clinton dựa trên những gì mà truyền thông đăng tải, cộng với việc Ban lãnh đạo của đảng Dân chủ ủng hộ bà. Tuy nhiên, thực tế, họ chưa làm như vậy chứng tỏ một điều là chắc chắn có sự miễn cưỡng trong một số lượng lớn siêu đại biểu đối với chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng Clinton".
Ông Sanders và phe của mình đã tìm cách thuyết phục những người ủng hộ bà Clinton đổi ý, trong đó có hạ nghị sĩ bang Colorado là Jared Polis. Các nguồn tin cho biết ông Sanders đã lôi kéo được sự ủng hộ của 3 siêu đại biểu. Theo tờ Politico, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ tại bang Alaska là Larry Murakami, Chủ tịch đảng này tại bang Idaho là Bert Marley và Chủ tịch đảng tại bang Utah là Peter Corroon sẽ ủng hộ ông Sanders.
Hiện phe của ông Sanders vẫn tập trung vào tích lũy phiếu đại biểu đã cam kết với hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách với bà Clinton và thuyết phục được các siêu đại biểu thay đổi lập trường để quay sang ủng hộ ông này. Ông Devine nói: "Nếu chúng tôi hợp tác rất tốt với các cử tri trong các tuần và tháng tiếp theo, chúng tôi tin rằng có thể giành sự ủng hộ không chỉ của những người chưa đưa ra quyết định, mà còn của cả những người đã công khai ủng hộ bà Clinton".
Ngay lập tức, ban vận động tranh cử của bà Clinton cũng "phản pháo" kế hoạch "ve vãn" siêu đại biểu của ông Sanders. Joel Benenson, chuyên gia thăm dò ý kiến hàng đầu trong phe của bà Clinton, đã đả kích việc phe của ông Sanders từ chối công bố các siêu đại biểu bí mật ủng hộ ứng viên này.
Tuy nhiên, một loạt siêu đại biểu của bà Clinton đã tuyên bố không thay đổi cam kết. Bà Clinton đang hơn ông Sanders 268 phiếu đại biểu đã cam kết, nhưng ưu thế dẫn trước đối thủ của bà lên tới 708 phiếu nhờ vào sự ủng hộ của các siêu đại biểu. Cụ thể, bà Clinton được 469 trong số 712 siêu đại biểu ủng hộ, so với con số 29 của ông Sanders. Số siêu đại biểu còn lại vẫn chưa công bố cam kết ủng hộ ứng cử viên nào. Bà Clinton cần thêm 671 phiếu đại biểu để giành quyền đề cử của đảng Dân chủ, trong khi ông Sanders cần thêm 1.379 phiếu.
Dù vậy, không phải chưa có tiền lệ về việc các siêu đại biểu quay lưng lại với ứng viên mà họ từng cam kết ủng hộ. Năm 2008, nhiều người ủng hộ bà Clinton đã quay sang ủng hộ ông Barack Obama khi tình hình trở nên rõ ràng là bà sẽ không phải là người được đề cử ra tranh cử tổng thống.