Ukraine: Ván bài vẫn chưa lật ngửa

Sau khi phơi bày sự bất lực với phe ly khai ở miền Đông trước các cuộc bầu cử ở Donetsk và Luhansk, chính phủ Ukraine vẫn còn đó những lựa chọn để suy ngẫm. Vấn đề là, tất cả trong số đó đều là những lựa chọn đáng buồn.

Ngày 4/11, ông Alexander Zakharchenko tuyên thệ nhậm chức người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở miền đông Ukraine. Ảnh: AFP-TTXVN


Các nhà phân tích và quan chức vẽ ra một kịch bản khắc nghiệt đang chờ đón chính phủ thân phương Tây của Ukraine khi chính phủ này cân nhắc cách hành xử với khu vực công nghiệp Donbass ở miền Đông Nam hiện đang nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của phe ly khai.

Các cuộc bầu cử diễn ra hôm 2/10 tại khu vực trên, sự kiện được Nga tuyên bố công nhận kết quả trong khi phương Tây ra sức gây áp lực phản đối, chỉ là một diễn biến mới nhất làm mạnh thêm thứ cảm nhận rằng các khu vực nổi dậy đã trượt ra gần như hoàn toàn khỏi sự kiểm soát của Kiev.

Việc tái chiếm các thành phố do lực lượng ly khai kiểm soát ở Donbass như Donetsk và Lugansk đã được hiểu là vượt quá năng lực quân sự của Ukraine. Bởi lực lượng nổi dậy không phải là một đội quân tạp nham, ô hợp. Họ sở hữu những đơn vị tương tự như một quân đội thông thường, được trang bị vũ khí hạng nặng.

Trong khi đó, ở một khu vực khác, bán đảo Crimea (Crưm), nơi được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 sau cuộc trưng cầu dân ý của người dân nơi đây, có sự xuất hiện của một lượng lớn quân đội Nga, việc khiến cho Crimea càng khó bị Ukraine đòi lại.

Theo ông Glib Vyshlinsky, phó giám đốc của công ty marketing Gfk của Ukraine tại thủ đô Kiev, không có nhiều người Ukraine sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn lực. “Nếu nói đến chuyện đánh nhau, với con số thương vong lên đến hàng ngàn để giành lại những khu vực này thì không có sự ủng hộ…”, ông nói.

Nếu khó có thể đòi lại, một lựa chọn cực đoan khác mà Ukraine có thể nghĩ đến là rũ bỏ: hoàn toàn không nhúng tay đến những vùng lãnh thổ trên. Nhà phân tích chính trị Yuriy Romanenko thể hiện quan điểm này với dòng chữ “ngừng hỗ trợ Donbass” trên trang Facebook cá nhân.

Lúc đó, Ukraine sẽ thoát khỏi những chi phí khổng lồ liên quan đến khu vực bị chiến tranh tàn phá này và rảnh tay để theo đuổi một thách thức chính khác trong việc tiến hành những cuộc cải cách tư pháp và kinh tế thân phương Tây.

“Không có gì phải lo lắng. Giờ đây chúng ta có thể đến với châu Âu”, một tài khoản Facebook có tên Tatyana Filatova để lại lời bình luận trên bên dưới chia sẻ của Romanenko.

Những lựa chọn ngao ngán

Trong lúc này, có dấu hiệu cho thấy chính phủ Ukraine đang chuẩn bị hủy bỏ ít nhất là một vài thỏa thuận với miền Đông khi các quan chức hàng đầu nước này trong những ngày gần đây đề xuất việc ngừng cung cấp khí đốt cho các vùng lãnh thổ do lực lượng đòi ly khai kiểm soát, việc sẽ buộc lực lượng này phải cầu cứu đến Nga.

Ngày 4/11, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini (trái) cho rằng các cuộc bầu cử ở miền đông đe dọa giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh: AFP/ TTXVN


Theo Taras Berezovet, người đứng đầu công ty tư vấn Berta Communications ở Kiev, thì “những thông cáo trên là thuốc thử với Nga” bởi “Nga không muốn phải chi tiền cho Donbass”.

Tuy nhiên, một quan chức an ninh hàng đầu giấu tên cho biết: “Chúng tôi không thể từ bỏ Donbass. Chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để khôi phục chủ quyền trên lãnh thổ này”. Nhưng theo vị quan chức này, đó là công việc không thể thực hiện ở hiện tại.

Trong quan hệ quốc tế, tình trạng đóng băng của một cuộc xung đột (hay một cuộc xung đột bị đóng băng) xảy ra khi các cuộc đụng độ đã được chấm dứt nhưng không có thỏa thuận hòa bình hay khuôn khổ chính trị nào có thể giải quyết cuộc xung đột đó để làm thỏa mãn các bên tham chiến.

Theo wikipedia

Nếu quả vậy, có vẻ như Ukraine có thể đang nhìn vào một chuỗi những tháng ngày đóng băng của một cuộc xung đột hoành hành khu vực địa chính trị này. Kinh nghiệm từ các cuộc xung đột khác ở Gruzia, Moldova cho thấy, mặt tích cực duy nhất của tình trạng đóng băng như vậy là việc cuộc chiến đấu đó sẽ chết dần chết mòn.

Nhưng các cuộc xung đột lại là trở lực với những cải cách cần thiết cho việc tiến vào Liên minh châu Âu cũng như các thể chế phương Tây khác. Và ngay sau khoảng thời gian của cả một thập kỉ, không có dấu hiệu nào cho thấy các vùng lãnh thổ do các phần tử nổi dậy chiếm đóng quay trở về chủ cũ.

Theo nhà phân tích Berezovets, trên thực tế, “Kiev đã mất quyền kiểm soát Donbass trong ít nhất 5 năm. Các nhà chức trách từ lâu đã nhận ra điều này… Nhưng thừa nhận pháp lí việc này sẽ là một sự tự sát chính trị...”.

Tuy nhiên, điều khiến Ukraine lo lắng nhất là việc phe ly khai muốn tiếng súng trên chiến trường, chứ không phải là tình trạng đóng băng dài đằng đẵng. Lãnh đạo phe này đã công khai nói về kế hoạch mở rộng lãnh thổ đến cảng Mariupol ở Biển Đen.

Các quan chức an ninh và binh sĩ Ukraine dự liệu các tay súng này muốn chiếm toàn bộ đường bờ biển để thiết lập một vùng đất liên kết với bán đảo Crimea. Bởi không có vùng đất liên kết này, người dân Crimea sẽ phải đối mặt với một mùa đông dài và giá lạnh, và phải phụ thuộc vào sự tiếp tế của Nga từ những tuyến đường biển, trừ phi chính phủ bị ghẻ lạnh ở Ukraine ra tay tương trợ.

“Nhiều chuyện sẽ phụ thuộc vào việc liệu Kiev và Moskva có đạt được thỏa thuận hỗ trợ cho Crimea hay không, điều giờ đây đang nằm trong thế khó”, một quan chức an ninh nói.

Thật đáng buồn khi đang có quá nhiều câu hỏi tại Ukraine, nhưng hầu như không có câu trả lời dễ dàng nào cho những câu hỏi đó.


Anh Tiếu (Theo ASI/AFP)


Leo thang mâu thuẫn khí đốt Ukraine, EU và Nga
Leo thang mâu thuẫn khí đốt Ukraine, EU và Nga

Các cuộc thương lượng về việc cung cấp khí đốt cho mùa Đông này giữa Ukraine, EU và Nga đã thất bại, sau khi có tin Nga đã ngừng tất cả các cuộc thương lượng bởi vì EU không sẵn sàng bảo đảm về mặt tài chính cho việc cung cấp khí đốt cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN