Ngày 4/8, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã tiếp nhận những chiếc chiến đấu cơ F-16 mà nước này mong đợi từ lâu cùng với lời cảm ơn dành cho Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ.
Theo hãng tin Reuters của Anh, vào tháng 8/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh cho việc triển khai những chiếc máy bay phản lực F-16 đã qua sử dụng tại Ukraine.
Mặc dù Mỹ sẽ không cung cấp bất kỳ chiếc F-16 nào từ kho vũ khí của mình, nhưng các đồng minh và đối tác của nước này, gồm Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 70 máy bay trong những tháng tới.
Như vậy, việc Ukraine nhận được lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên là sự hiện thực hoá lời cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cho phép các đồng minh cung cấp cho Kiev những chiếc F-16 do nước này sản xuất cũng như giúp Kiev đào tạo phi công.
Theo tạp chí The Economist, cho đến nay, Ukraine đã nhận được 10 trong số 79 chiến đấu cơ F-16 được cam kết cung cấp còn vào cuối năm nay, số lượng F-16 mà Ukraine nhận được có thể tăng gấp đôi.
Sự xuất hiện của các chiến đấu cơ F-16 đối với Ukraine là một cột mốc trong cuộc chiến với các lực lượng Nga, có thể tạo ra tác động lớn đến tình hình chiến trường, nếu chúng được trang bị các loại vũ khí có tầm bắn xa hơn, bao gồm tên lửa không đối đất.
Tuy nhiên, các blogger quân sự Nga đã hạ thấp tác động của những chiếc máy bay phản lực do hãng Lockhead Martin của Mỹ chế tạo đối với chiến trường.
Tờ Newsweek dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết lập trường này là của những người ủng hộ Điện Kremlin, cổ suý cho chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moskva tiến hành ở Ukraine, những người thường mô tả về cái gọi là “ranh giới đỏ” không thể vượt qua.
Trong bản cập nhật đưa ra ngày 4/8, ISW cho biết các nhà bình luận và quan chức Nga thường cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ vi phạm "ranh giới đỏ" có thể buộc Nga phải leo thang phản ứng.
Theo Peter Rutland, một chuyên gia về Liên bang Nga và là Giáo sư tại Đại học Wesleyan, hệ thống phòng không mạnh mẽ có nghĩa là không bên nào có thể đạt được ưu thế trên không.
Chuyên gia này cho rằng với những chiến đấu cơ F-16 vừa nhận được, Ukraine sẽ tăng cường năng lực của mình trong việc đánh chặn thiết bị bay không người lái (UAV) và trực thăng của các lực lượng Nga vốn được sử dụng để hỗ trợ cho cuộc tấn công trên bộ của họ.
Tuy nhiên, ông Rutland cũng nhấn mạnh F-16 “không phải là một nhân tố thay đổi cục diện trong một đêm”, đồng thời việc Ukraine nhận được F-16 có thể kích hoạt phản ứng leo thang từ Moskva.
Trong phát biểu đưa ra ngày 1/8, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh rằng các lực lượng của Liên bang Nga sẽ bắn hạ và phá huỷ những chiếc F-16 mà Ukraine nhận được, khiến số lượng của chúng giảm dần.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, những F-16 không phải là "liều thuốc thần kỳ" và chúng “sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của các sự kiện trên chiến trường".
Xem video của Tin tức TV nói về việc chiến đấu cơ F-16 chính thức hoạt động trên bầu trời Ukraine.
Kể từ khi Liên bang Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, các đồng minh của Ukraine, do Mỹ đứng đầu, đã điều chỉnh viện trợ quân sự của họ dành cho Ukraine để tránh xung đột Nga-Ukraine leo thang.
Theo tờ Thời báo Kyiv, năm ngoái, giới chức Liên bang Nga đã đưa ra 15 tuyên bố "ranh giới đỏ" chính thức, so với 24 tuyên bố mà nước này đưa ra trong năm đầu tiên của cuộc chiến.
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nói rằng mối đe dọa về hành động hạt nhân có thể xảy ra nếu "ranh giới đỏ" của mối đe dọa hiện hữu đối với nhà nước Nga bị vượt qua, mặc dù điều này là gì vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng.
Trong khi đó, thực tế cho thấy các loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đã tăng dần từ tên lửa Javelin, tên lửa Stinger lên hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) và Pháo tự hành M777.
Một cảnh báo khác mà Moskva đưa ra vào tháng 9/2023 về việc Mỹ cung cấp cho Ukraine tên lửa tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa cũng đã bị bỏ qua với thời gian bước qua cảnh bảo chỉ là vài tháng.
Trước đó vào tháng 11/2022, cựu Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev, người đang giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng An ninh, đã cảnh báo phương Tây không được cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine, nhưng khi Ukraine nhận được Patriot, nguồn cung cấp của loại vũ khí này đã không nhận được phản ứng nghiêm khắc từ Moskva.
Moskva cũng cảnh báo không được bắn bất kỳ tên lửa do phương Tây sản xuất nào vào trong lãnh thổ Nga, nhưng các cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào tháng 12/2023 đã giết chết ít nhất 21 người ở khu vực Belgorod của Liên bang Nga.
Những ví dụ nêu trên nằm trong số những trường hợp mà ISW cho biết vào hôm 4/8 rằng nó cho thấy Moskva đã "nhiều lần chứng minh" rằng việc đề cập đến các "ranh giới đỏ" là "một kỹ thuật kiểm soát phản xạ nhằm buộc phương Tây phải tự kiềm chế không cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine".
Theo ISW, Kiev và các đồng minh đã vượt qua các "ranh giới đỏ" do Moskva tự xác định mà không gặp phải phản ứng nào đáng kể từ Liên bang Nga, điều mà các nhà báo quân sự Nga cho rằng sẽ được trong trường hợp của F-16.