Tuyên bố trên của người phát ngôn Bộ Thương Mại Trung Quốc Gao Feng ám chỉ vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào trong việc giảm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Trung Quốc không có thông tin về chuyến thăm của giới chức Mỹ. Cả hai bên đều có những đối thoại vừa hết sức thẳng thắn và vừa mang tính xây dựng trong vòng đàm phán gần đây nhất, nhưng đáng tiếc Mỹ đã đơn phương và liên tục khiến xung đột thương mại leo thang, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho các cuộc thảo luận”, người phát ngôn Gao Feng trả lời giới báo chí.
Câu trả lời của người phát ngôn Bộ Thương mại được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu trong một phiên điều trần ngày 15/5 rằng ông kỳ vọng sớm tới Bắc Kinh để tiếp tục đàm phán thương mại.
Bộ trưởng Mnuchin cho biết vòng đàm phán vừa qua tại Washington “mang tính xây dựng” nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi hai bên đạt được thỏa thuận. “Kỳ vọng của tôi là chúng tôi rất có thể tới Bắc Kinh trong tương lai gần để tiếp tục đàm phán và tôi nghĩ Tổng thống Trump cũng kỳ vọng gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G-20 (nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) vào cuối tháng Sáu tới”.
Xuất hiện nhiều lời đồn đoán cho rằng các cuộc thảo luận có thể được tổ chức tại Bắc Kinh trước cuối tháng này để các nhà đàm phán có cơ hội giải quyết khoảng cách khác biệt trước khi chính sách áp đặt mức thuế mới có hiệu lực vào ngày 1/6. Bộ trưởng Mnuchin là một trong hai quan chức dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ, cùng với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Căng thẳng giữa hai quốc gia leo thang vào tuần trước khi Tổng thống Trump tuyên bố tăng gấp đôi mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc lên 25% sau khi cáo buộc Bắc Kinh "lật lại" các cam kết mà họ đã đưa ra trong các vòng đàm phán trước đó. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp mức thuế tương tự đối với các sản phẩm Mỹ trị giá 60 tỷ USD.
Người phát ngôn Gao Feng trong buổi họp báo cũng nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ có những phương án trả đũa tiếp theo nếu Mỹ áp nốt thuế lên 300 tỷ hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc.
Theo các nguồn tin trong ngành, tình hình không chắc chắn hiện giờ xung quanh các cuộc đàm phán thương mại trở thành một đòn giáng mạnh đối một số công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
“Ngoại giao thương mại là một bài tập thể hiện sự kiên nhẫn, kiên định và sự nhất quán – tất cả đều liên quan đến việc giữ thể diện. Mỹ muốn có sự nhượng bộ từ Trung Quốc cần phải có chiến lược hiệu quả. Bắt nạt và đe dọa không bao giờ mang lại hiệu quả”, James Zimmerman – một đối tác trong văn phòng luật Perkins Coie ở Bắc Kinh trước đây từng làm Chủ tịch của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc – nhận xét.
Kể từ khi Mỹ và Trung Quốc lâm vào cuộc chiến thương mại từ giữa năm 2018 tới nay, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tiến hành 11 vòng đàm phán, song tiến triển gần như rất hạn chế. Sau khi thỏa thuận đình chiến thương mại đạt được tại cuộc gặp cấp cao ở Argentina hết hiệu lực, Mỹ và Trung Quốc lại sẵn sàng cho một chu kỳ leo thang mới.
Trong bối cảnh như vậy, tương lai của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung hiện rất mờ mịt, trừ phi hai bên thật sự muốn hạ nhiệt căng thẳng. Song để có được viễn cảnh đó, nhượng bộ là điều cần thiết, từ phía Mỹ cũng như cả phía Trung Quốc.