Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cơ quan nghiên cứu danh tiếng tại Anh, vừa đưa ra nhận định rằng sự sụp đổ của khu vực đồng euro (Eurozone) không phải là không thể tránh được, tuy nhiên nó đòi hỏi nỗ lực, trí tuệ và cả sự may mắn. Cho tới thời điểm này có 3 viễn cảnh có thể xảy ra đối với cuộc khủng hoảng đồng tiền chung châu Âu bao gồm "thả ong khỏi tổ", "tan vỡ" và "hòa trộn".
Giáo sư François Heisbourg, Chủ tịch Hội đồng IISS, cơ quan đầu não về cố vấn tập trung các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của IISS, trong bài phát biểu mới đây tại Văn phòng đại diện IISS ở Oasinhtơn (Mỹ), được đăng tải trên chuyên mục "Tiếng nói IISS" ngày 19/3, cho rằng viễn cảnh thứ nhất là Eurozone thực hiện chiến lược "thả ong khỏi tổ" (hiving-out), theo đó Hy Lạp sẽ bị loại khỏi khu vực Eurozone và được IMF "điều trị" giống như các nước "loạng choạng" tại khu vực châu Á và Mỹ Latinh. Giáo sư Heisbourg cho rằng, các ngân hàng đã chống đỡ được với các khoản nợ của Hy Lạp, và nhiều khả năng đồng euro vẫn có thể chống đỡ được sau khi Hy Lạp rút lui. Trong viễn cảnh này, tương lai của đồng euro sẽ phụ thuộc vào các thị trường và các cơ chế ổn định.
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet |
Viễn cảnh thứ hai là sự sụp đổ của Eurozone, theo đó kể cả đồng euro tồn tại được sau sự ra đi của Hy Lạp thì nguy cơ "tan vỡ" (breaking up) vẫn có thể xảy ra nếu như: (i) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không thể mở rộng các chiến dịch tái cấp vốn dài hạn; (ii) Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) không hợp nhất đầy đủ thành "bức tường lửa" đơn nhất và các quốc gia sử dụng euro không phát hành trái phiếu Euro (Eurobond) để giúp các quốc gia đang vật lộn với nợ nần; (iii) Hiệp ước Tài khóa châu Âu được phê chuẩn nhưng không có kế hoạch tăng trưởng hoặc không có hiệp ước nào được thông qua, làm giảm niềm tin của thị trường vào đồng euro; (iv) Tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc; và (v) Mỹ thực thi việc cắt giảm chi tiêu "tự động" bởi không thể đạt được thỏa thuận ngân sách.
Cuối cùng, đồng euro vẫn có thể được cứu rỗi nếu như chiến lược "hòa trộn" (blending in) được thực hiện. Để nỗ lực này có thể thành công, châu Âu trước hết cần phải có một khế ước tài khóa trong đó có chiến lược tăng trưởng. Điều cần thiết thứ hai là "sự may mắn về kinh tế" khi tăng trưởng tiếp tục tại hai nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và Trung Quốc. Cuối cùng là châu Âu cần phải có một cơ chế để kiểm soát những nền kinh tế khác biệt trong khu vực Eurozone.
Đánh giá về tác động chiến lược của những viễn cảnh trên, Giáo sư Heisbourg cho rằng, nếu đồng euro sụp đổ thì nhiều khả năng EU cũng có thể sẽ tan vỡ, mặc dù số lượng các đạo luật gắn chặt các nước thành viên vào EU có thể đủ để ngăn cản sự tan rã. Tuy nhiên, thị trường châu Âu đơn nhất và "châu Âu không biên giới" nhiều khả năng sẽ biến mất. Từ bỏ đồng euro cũng có thể dẫn tới suy thoái giống như những năm 1930 và góp phần làm gia tăng chủ nghĩa dân túy tại châu Âu.
Giáo sư Heisbourg cho rằng, sự sụp đổ của đồng euro sẽ không dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới giống như trong thế kỷ 20 vốn là "sản phẩm của những tham vọng bá chủ", không phải là các quốc gia lụn bại về kinh tế. Nó cũng sẽ không dẫn tới sự lặp lại của các cuộc chiến Balkan; và bất chấp những sự yếu kém đã biết trước của EU, những lợi ích của việc trở thành thành viên sẽ vẫn thúc đẩy hòa bình tại Balkans.
Nếu đồng euro tồn tại, châu Âu có thể sẽ tránh được một cuộc suy thoái như vậy, nhưng các quốc gia thành viên Eurozone sẽ có những sự khác biệt ngày càng lớn, với việc Anh sẽ phát triển bỏ xa Eurozone. Các nước không sử dụng đồng euro tại châu Âu sẽ có ít động lực và khả năng để tham gia vào khối đồng tiền chung, đặt họ ở một tình huống cẩn trọng trong lựa chọn giữa châu Âu và phương Đông.
Giáo sư Heisbourg cũng đưa ra hai đề xuất chính sách đối với Mỹ. Trước hết, Quốc hội Mỹ cần phải ngăn chặn sự chia rẽ để có thể đạt được một thỏa thuận ngân sách. Thứ hai, Mỹ không nên tăng cường các thỏa thuận song phương với từng quốc gia châu Âu gây tổn hại cho EU xét về tổng thể. Thay vào đó, Mỹ cần "nuôi dưỡng" liên minh NATO và coi đó là cách thức nhằm tăng cường sự thống nhất của châu Âu.
Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)