Các công ty Nhật Bản chưa bao giờ giỏi đối phó với các cổ đông hoạt động, nhưng tập đoàn Toshiba dường như đã để tâm tới nỗ lực đó bằng cách hợp tác với chính phủ để chống lại ảnh hưởng của các cổ đông nước ngoài. Lần này, người khổng lồ công nghiệp có thể đã đi quá xa và vụ bê bối đang đặt ra những câu hỏi lớn về quản trị của công ty.
Tại Đại hội cổ đông thường niên vào ngày 26/6 vừa qua, các cổ đông của Toshiba đã phế truất Chủ tịch của công ty, ông Osamu Nagayama. Hành động phế truất một chủ tịch công ty của cổ đông là điều hiếm gặp tại Nhật Bản. Nhưng đây là thắng lợi đối với các nhà đầu tư vốn đã bất mãn từ khi ông Nagayama được bổ nhiệm. Nó báo hiệu sự mất lòng tin vào Ban quản trị của cổ đông. Ngoài ông Chủ tịch, cổ đông còn loại bỏ một thành viên trong Hội đồng kiểm toán của Toshiba.
Trước đó, vào ngày 10/6, báo cáo từ cuộc điều tra độc lập được tung ra, cho thấy lãnh đạo Toshiba đã cấu kết với Bộ Thương mại Nhật Bản để gây áp lực lên lá phiếu cổ đông tại cuộc họp năm ngoái. Công ty muốn kiềm chế tầm ảnh hưởng của các nhà đầu tư. Báo cáo cũng kêu gọi cải tổ mạnh mẽ Ban quản trị của Toshiba, một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Toshiba được thành lập năm 1939, dựa trên sáp nhập giữa Tokyo Denki và Shibaura Seisaku, vốn thành lập từ năm 1875 bởi Tanaka Hisashige – một trong những kỹ sư sáng tạo vĩ đại nhất thời đó.
Tượng đài công nghệ một thời của Nhật Bản từng được coi là hình mẫu về quản trị doanh nghiệp. Nhưng sóng gió đã ập dến vào năm 2015 khi công ty bị phanh phui bê bối gian lận kế toán. Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập khi đó, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 151,8 tỷ yen (1,2 tỷ USD) trong 5 năm. Sau khi điều chỉnh lại, công ty báo lỗ 37,8 tỷ yen trong năm 2014.
Vào năm 2017, tập đoàn lại đối mặt cuộc khủng hoảng với Westinghouse Electric Co., tập đoàn hạt nhân của Mỹ mà Toshiba đầu tư thua lỗ. Toshiba đã buộc phải bán bớt một số mảng kinh doanh của mình, bao gồm các đơn vị y tế và sản xuất chip để duy trì hoạt động và huy động được 600 tỷ yen thông qua các nhà đầu tư nước ngoài.
Kể từ đó, Toshiba bắt đầu đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cổ đông về minh bạch và tăng cường khả năng quản trị để gia tăng giá trị doanh nghiệp. Hiện tại, một nửa số cổ phần của Toshiba thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi tình hình kinh doanh chưa được cải thiện, doanh thu vẫn liên tiếp đi xuống từ năm 2014 đến nay, lãnh đạo Toshiba lại tiếp tục mắc sai lầm trong quản trị. Đầu tháng 6 này, một bản báo cáo dài 147 trang được công bố cho thấy lãnh đạo công ty đã thông đồng với chính phủ để giảm bớt ảnh hưởng của cổ đông.
Cuộc điều tra độc lập do cổ đông lớn nhất Effissimo Capital Management khởi xướng đã nêu chi tiết cách thức Toshiba phối hợp với các quan chức thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp để cố gắng ngăn chặn các cổ đông gửi đề xuất và thực hiện quyền biểu quyết của họ.
Cuối cùng, Chủ tịch Nagayama đã bị phế truất trong bối cảnh cổ đông lớn kêu gọi thay đổi hội đồng quản trị của Toshiba.
Sau Đại hội cổ đông, các cổ đông tư nhân của Toshiba bày tỏ tin tưởng và lạc quan vào tương lai của Toshiba. Họ cho rằng đây là bước ngoặt đánh dấu một kỷ nguyên mới tập trung vào việc tạo ra giá trị, minh bạch cho tất cả các bên liên quan và một cam kết mới trong việc xây dựng niềm tin với các cổ đông.
Tuy nhiên, tương lai của Toshiba có thể vẫn bất định. Một nhà quản lý quỹ ở Tokyo nói với tờ Nikkei rằng ông không nghĩ việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị của Toshiba sẽ đem đến một kết quả tích cực.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng vụ bê bối mới nhất cho thấy sự thất bại của Toshiba trong việc cải cách quản trị của mình, mặc dù họ đã bổ nhiệm một CEO từ bên ngoài công ty và đảm bảo phần lớn hội đồng quản trị sẽ bao gồm các giám đốc bên ngoài để thắt chặt giám sát quản lý.
Yoshiharu Izumi, nhà phân tích cấp cao tại SBI Securities, cho biết: “Những nỗ lực cải tổ của Toshiba trong khoảng 3 năm qua là khá hời hợt”. Với việc gốc rễ của vấn đề nội bộ của Toshiba đã có từ hơn một thập kỷ trước, “thật phi thực tế khi nó có thể được giải quyết chỉ trong một hoặc hai năm”, ông Izumi nói.
Chuyên gia Izumi cũng lưu ý rằng Toshiba sẽ tiếp tục phải trải qua một chặng đường khó khăn phía trước kể cả khi đã giải quyết được cuộc đối đầu với các cổ đông. Thách thức lớn nhất của tập đoàn là phải soạn thảo một kế hoạch kinh doanh trung hạn thuyết phục, dự kiến công bố vào tháng 10. “Toshiba cần phải đưa ra một kế hoạch có thể thuyết phục cả nhân viên lẫn nhà đầu tư”, ông Izumi nói.