Từ vũ khí đến công nghệ: Châu Âu kỳ vọng 'mô hình kép' vực dậy kinh tế

Hàng nghìn tỷ euro đang được EU đổ vào tái vũ trang. Liệu quốc phòng có trở thành động lực đổi mới công nghệ, thúc đẩy năng suất và vực dậy nền kinh tế đang trì trệ của châu Âu?

Chú thích ảnh
Tên lửa Ariane 6 rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Guiana ở khu vực Kourou, Guiana thuộc Pháp, ngày 9/7/2024. Ảnh: Getty Images/ TTXVN

Theo Politico châu Âu (Politico.eu) ngày 19/5, trước bối cảnh địa chính trị đầy biến động, châu Âu đang đứng trước một câu hỏi lớn: Liệu sự tăng cường chi tiêu quốc phòng có thể trở thành động lực tăng trưởng kinh tế mới cho "lục địa già", hay chỉ là gánh nặng tài chính đơn thuần? Hy vọng về "mô hình kép" từ các phát minh quân sự lan tỏa sang dân sự đang được đặt ra, nhưng liệu điều đó có thực tế?

Quốc phòng: Cỗ máy tạo tiềm năng cho kinh tế châu Âu?

Lịch sử đã chứng minh rằng các phòng nghiên cứu quân sự là cái nôi của nhiều phát minh ứng dụng rộng rãi trong đời sống dân sự, từ lò vi sóng, GPS đến máy tính. Đây được gọi là "kết hợp quân sự-dân sự", một khái niệm mà châu Âu đang hy vọng sẽ lặp lại để thúc đẩy năng suất lao động ảm đạm của mình.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhận định: "Đây là về việc chi tiêu nhiều hơn, chi tiêu tốt hơn". Ông nhấn mạnh rằng hai phần ba thành viên NATO hiện đã đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng, nhưng con số này vẫn "chưa đủ". Ủy ban châu Âu đã sẵn sàng giải ngân 800 tỷ euro cho chi tiêu quân sự, và Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng công bố kế hoạch một nghìn tỷ euro để nâng cấp quân đội và cơ sở hạ tầng. Số tiền khổng lồ này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ, lan tỏa vào nền kinh tế dân sự, từ đó tăng năng suất và tự bù đắp chi phí.

Tiền công quỹ chảy vào quốc phòng đã tạo điều kiện cho nhiều công ty mới nổi tham gia thị trường. Điển hình là Comand AI, công ty quốc phòng do Giám đốc điều hành Loïc Mougeolle đồng sáng lập sau cuộc xung đột Nga - Ukraine năm 2022. Ông Mougeolle cho biết công nghệ trí tuệ nhân tạo của Comand AI có thể phân tích lệnh, xây dựng nhiệm vụ và phân tích địa hình, giúp tăng tốc đáng kể thời gian phản ứng của quân đội.

Dù hiện tại Comand AI chỉ tập trung vào quốc phòng, ông Mougeolle tin rằng công nghệ của họ có tiềm năng ứng dụng dân sự rộng lớn. Ví dụ, nó có thể giúp đội tàu robot giao hàng định hướng địa hình hoặc giải quyết các cuộc tấn công mạng phối hợp vào các doanh nghiệp tư nhân.

Chris Miller, Giáo sư tại Đại học Tufts và tác giả cuốn "Chip War: The Fight for the World's Most Critical Technology" (Tạm dịch: Chiến tranh Chip - Cuộc chiến vì Công nghệ quan trọng nhất của Thế giới), khẳng định: "Chi tiêu quốc phòng là động lực quan trọng thúc đẩy những tiến bộ công nghệ tại Mỹ". Ông chỉ ra rằng Bộ Quốc phòng Mỹ thường tài trợ cho nghiên cứu cơ bản và tạo mẫu, sau đó được các công ty tư nhân chuyển thành các công nghệ dân sự mang tính cách mạng như vi mạch, GPS hay màn hình hiển thị.

Nghiên cứu từ Viện Kiel ước tính rằng, mỗi 1% GDP chi cho nghiên cứu quân sự có thể giúp năng suất dài hạn của châu Âu tăng tới 0,25%. Trong ngắn hạn, chi tiêu quân sự chắc chắn sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Daniel Kral, nhà kinh tế học hàng đầu tại Oxford Economics, cho rằng quy mô của các kế hoạch này lớn đến mức có thể giúp "giải thoát châu Âu khỏi tình trạng trì trệ thông qua tăng trưởng do nhu cầu trong nước dẫn dắt". Doanh thu của các nhà thầu quốc phòng sẽ tăng, việc làm sản xuất tăng lên và tiền lương của người lao động sẽ quay trở lại nền kinh tế.

Thách thức và con đường phía trước

Tuy nhiên, việc chi tiêu quốc phòng tăng mạnh cũng đối mặt với nhiều chỉ trích, đặc biệt từ những người cánh tả lo ngại về việc cắt giảm phúc lợi xã hội. Điển hình, chính phủ do đảng Lao động lãnh đạo của Vương quốc Anh gần đây đã cắt giảm phúc lợi 4,8 tỷ bảng Anh trong khi tăng chi tiêu quốc phòng 2,2 tỷ bảng Anh. Điều này có thể làm gia tăng sự bất mãn trong xã hội.

Một vấn đề khác nằm ở chỗ sản xuất súng và bom được tính vào GDP, nhưng không tạo ra sự gia tăng năng suất dài hạn. Hơn nữa, các kế hoạch tái vũ trang của châu Âu sẽ được tài trợ phần lớn thông qua nợ, vốn đã ở mức cao, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế về dài hạn.

Một cách để giải quyết vấn đề này là đầu tư thông minh hơn. Hơn một nửa chi tiêu mua sắm quốc phòng của châu Âu hiện đang chảy vào các công ty Mỹ. Để giữ được nhiều giá trị nhất có thể ở châu Âu, khối này cần phải tự phát triển các sản phẩm mà hiện đang phải mua từ Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các chính phủ ở châu Âu thay thế tên lửa Patriot và F-35 của Mỹ bằng các giải pháp thay thế của châu Âu như hệ thống SAMP/T và máy bay phản lực Rafale.

Để đạt được thành công lâu dài, báo cáo của Viện Kiel và chuyên gia Dan Breznitz từ Đại học Toronto đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy cạnh tranh và chào đón những người chơi mới trong ngành công nghiệp quốc phòng. Thay vì ưu tiên các nhà thầu truyền thống, việc mở rộng đấu thầu cho các công ty nhỏ hơn, trẻ hơn và định hướng công nghệ hơn sẽ dẫn đến nhiều bằng sáng chế và ứng dụng mục đích kép hơn. Hiện tại, khoảng 16% chi tiêu quân sự của Mỹ dành cho R&D, so với chỉ 4,5% ở châu Âu, điều này giúp các công ty Mỹ duy trì lợi thế công nghệ.

Tóm lại, tiềm năng để quốc phòng trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của châu Âu là có thật, nhưng đòi hỏi một cách tiếp cận chiến lược và thông minh. Liệu các quốc gia châu Âu có thể vượt qua những thách thức về tài chính và chính trị để biến tiềm năng này thành hiện thực? “Bạn cần phải có khả năng phá vỡ hệ thống. Bạn cần phải hiểu rằng sẽ có những người chơi mới. Và một số người chơi mới đó sẽ trở thành những gã khổng lồ mới. Và đó có thể là điều mà tôi không chắc EU có thực sự giỏi làm hay không, thành thật mà nói”, chuyên gia Breznitz kết luận.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
15 nước EU bất ngờ đề xuất hợp tác với BRICS để chấm dứt chiến sự ở Ukraine
15 nước EU bất ngờ đề xuất hợp tác với BRICS để chấm dứt chiến sự ở Ukraine

Trong bước đi chưa từng có, nhiều nước EU muốn tận dụng ảnh hưởng của các quốc gia thân Nga như Trung Quốc, Brazil để thúc đẩy hòa bình tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN