Tổng thống Trump từng gọi Thoả thuận hạt nhân Iran là một "thảm hoạ". Ảnh: AP
|
Ông Trump là người chỉ trích kịch liệt thoả thuận hạt nhân mà Iran và Nhóm P5+1 đạt được hồi năm 2015, dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, theo đó, Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình để đổi lấy việc nới lỏng những biện pháp trừng phạt của quốc tế.
Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu rằng Tổng thống Trump có thể sẽ không huỷ bỏ hoàn toàn thoả thuận, nhưng cũng chưa rõ chi tiết ý định của ông.
Trong khi đó các nước châu Âu coi Thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015 là cách tốt nhất để ngăn Iran phát triển bom hạt nhân. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 7/5 đã kêu gọi Tổng thống Trump không “ném chuột vỡ bình quý”, trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rõ rằng, Pháp, Anh, Đức sẽ tiếp tục tôn trọng Thoả thuận.
Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Iran có thể đối mặt với “một số vấn đề” trong những tháng tới, nhưng nhấn mạnh họ sẽ “tiếp tục hợp tác với thế giới”.
Các bên đã nhất trí những gì theo Thoả thuận hạt nhân Iran?Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được nhất trí bởi Iran và 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và thêm Đức (gọi là nhóm P5+1).
Theo Kế hoạch này, Iran đồng ý hạn chế quy mô của kho urani làm giàu – vốn được sử dụng làm nhiên liệu lò phản ứng, nhưng cũng có thể được sử dụng trong chế tạo vũ khí hạt nhân - trong vòng 15 năm và giảm số lượng máy ly tâm để làm giàu urani trong 10 năm.
Iran cũng đồng ý biến đổi một cơ sở nước nặng để nơi này không thể sản xuất plutoni ở mức độ phù hợp với chế tạo bom.
Đổi lại, các lệnh trừng phạt do Liên hợp quốc, Mỹ và EU áp đặt nhằm vào nền kinh tế Iran được dỡ bỏ.
Iran khẳng định chương trình hạt nhân mà họ theo đuổi là hoàn toàn hoà bình, và sự tuân thủ của Tehran đã được kiểm chứng bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).
Tại sao Tổng thống Trump phản đối?Ông Trump từng gọi Thoả thuận hạt nhân Iran là “một thảm hoạ”, là “điên rồ” và đã hai lần từ chối xác nhận với Quốc hội Mỹ rằng Tehran đang tuân thủ Thoả thuận này.
Hồi tháng 1 năm nay, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo rằng Mỹ sẽ rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran trước ngày 12/5 – hạn chót tiếp theo cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt – trừ phi “những hạn chế thảm hoạ” của Thoả thuận được sửa đổi.
Ông Trump cho rằng Thoả thuận ký giữa Iran và P5+1 chỉ giới hạn các hoạt động hạt nhân của Iran trong một giai đoạn cố định, và không giúp ngăn chặn hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo; cũng như trao cho Iran một “khoản trời cho” 100 tỉ USD mà theo ông, họ sẽ dùng nó như “một nguồn tiền cho vũ khí, khủng bố và đàn áp ở khắp Trung Đông".
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tìm cách thuyết phục ông Trump rằng những lo ngại của ông có thể được giải toả thông qua một thoả thuận bổ sung. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu gần như cho rằng họ đã thất bại với nỗ lực này khi Tổng thống Mỹ hôm 7/5 đăng dòng tweet rằng ông sẽ đưa ra quyết định của mình tại Nhà Trắng vào lúc 14h00 ngày 8/5 (giờ địa phương, tức 1h sáng 9/5 giờ VN).
Tổng thống Trump có thể công bố điều gì?
Tổng thống Mỹ có thể lập tức ra các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu khí và ngân hàng của Iran, cùng với các biện pháp nhằm vào các doanh nghiệp Iran. Đây là một biện pháp cứng rắn, mà giới phân tích cho rằng có thể giết chết toàn bộ Thoả thuận hạt nhân.
Tuy vậy, Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu Tổng thống Mỹ sẽ không dùng tới biện pháp quá mạnh tay đó. Một số quan chức nói với AP rằng, ông Trump có thể tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Ngân hàng trung ương Iran, qua đó sẽ đánh vào xuất khẩu dầu của nước này, và cho các công ty nước ngoài làm ăn với Iran một khoảng thời gian 6 tháng để giảm bớt hoạt động trước khi chịu thiệt hại lây.
Ông Trump cũng không cần ban hành các lệnh từ bỏ cấm vận theo thời hạn đưa ra trong Thoả thuận hạt nhân là vào cuối năm nay, bao gồm các lệnh nhằm vào 400 công ty, cá nhân và ngành kinh doanh của Iran.
Iran phản ứng ra sao?
Tổng thống Iran Rouhani phát biểu trước các giám đốc ngành dầu khí ở Tehran vào sáng 8/5 rằng, nếu ông Trump lựa chọn việc tái áp đặt cấm vận, Iran có thể “đối mặt một số vấn đề trong 2,3 tháng, nhưng chúng ta sẽ vượt qua”.
Ông nhấn mạnh rằng “nền tảng chính sách của Iran là làm việc và có những mối quan hệ xây dựng với thế giới”.
Ông Rouhani đại diện cho giới lãnh đạo theo quan điểm trung dung của Iran. Chính ông từng giúp đạt được Thoả thuận hạt nhân trong một nỗ lực nới lỏng sức ép đối với nền kinh tế Iran. Tuy nhiên theo các nhà quan sát, có nhiều lực lượng cứng rắn tại Iran sẽ không chịu để yên nhìn thấy Thoả thuận bị huỷ hoại.