Theo hãng tin nước ngoài, hơn 540 triệu USD các khoản phí pháp lý cộng lại đang gây áp lực lên ông Trump trong bối cảnh ông phải chạy một chiến dịch kéo dài cho đến ngày bầu cử 5/11.
Trong khi phần lớn thành viên đảng Cộng hòa là người da trắng và tầng lớp lao động, ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ của một số người Mỹ giàu có, những người ủng hộ các giá trị xã hội bảo thủ hoặc mong muốn luật thuế do một tổng thống như Trump lãnh đạo có lợi cho người giàu.
Đối thủ duy nhất còn lại trong đảng Cộng hòa của ông Trump là cựu đại sứ Liên hợp quốc Nikki Haley - người được nhiều nhân vật trong tầng lớp các nhà tài trợ truyền thống của đảng ưa chuộng – tuyên bố ngừng chiến dịch tranh cử vào ngày 6/3, tạo cơ hội cho ông Trump thu hút các nhà tài trợ cho mình.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin thân cận, đang có sự chia rẽ lớn giữa các nhà tài trợ của bà Haley. Một số siêu PAC (Super Political Action Committee - Siêu Ủy ban vận động chính trị) bày tỏ sẵn sàng ủng hộ cựu tổng thống Trump trong khi những người khác lại tỏ ra không mấy quan tâm.
Trả lời câu hỏi có tài trợ cho ông Trump hay không, luật sư tranh tụng ở New York kiêm nhà tài trợ của bà Haley, ông Eric Levine nói giảm nói tránh: "Tôi sẽ tập trung toàn bộ sự chú ý vào việc giúp đảng Cộng hòa giành lại Thượng viện”.
Trong khi đó, nhà tài trợ nặng ký của đảng Cộng hòa và tỷ phú quỹ phòng hộ Ken Griffin đã quyên góp 5 triệu USD để ủng hộ cho bà Haley, nhưng khoản tiền đó chưa được chuyển sang cho ông Trump. Cơ quan giám sát tài chính chiến dịch OpenSecrets ước tính ông Ken Griffin là nhà tài trợ cá nhân lớn thứ ba của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trong một tuyên bố vào tháng 1, ông Griffin chia sẻ đang tập trung vào các cuộc đua vào Quốc hội.
Bốn nhà tài trợ quan trọng khác của cựu đại sứ Haley thì nói rằng họ sẽ không quyên góp cho ông Trump.
Một số nhà tài trợ giải thích họ không muốn số tiền vốn dĩ để triển khai các hoạt động vận động tranh cử lại dùng để thanh toán các khoản pháp lý liên quan đến những vụ án mà ông Trump đang phải đối mặt.
Một nhà tài trợ lớn ở California cho biết: “Tôi sẽ không viết cho ông ấy một tấm séc trị giá 50.000 USD mà không biết nó sẽ đi đến đâu. Điều lo ngại mà tôi hay nghe nhiều nhất từ các nhà tài trợ là họ không muốn đưa tiền nếu ông Trump sử dụng số tiền đó để trả chi phí pháp lý của mình”.
Theo một nguồn tin biết rõ về lịch trình hoạt động, ông Trump dự kiến sẽ thực hiện chuyến gây quỹ tại California trong vài tuần tới.
Kênh CNN đưa tin cuối tuần qua, ông Trump cũng đã dự một cuộc gặp mặt nhỏ với một số nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa. Tại cuộc gặp này, tỷ phú Elon Musk cũng tham gia. Tuy nhiên, mới đây, nhà sáng lập tập đoàn sản xuất xe điện Tesla tuyên bố sẽ không tài trợ cho cả ông Trump lẫn Tổng thống Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Phân tích số liệu tài chính tiết lộ ông Trump đang tụt xa hơn so với Tổng thống Biden trong số tiền quỹ gây được vào tháng 1. Lượng tiền mặt mà chiến dịch của ông Trump đang nắm giữ đã giảm xuống chỉ còn hơn 30 triệu USD trong khi Tổng thống Biden cho biết chiến dịch tranh cử của ông kết thúc vào tháng 1 với khoảng 56 triệu USD tiền mặt.
Các chuyên gia pháp lý chỉ ra ông Trump không thể sử dụng quỹ tranh cử để bồi thường thiệt hại trong ba vụ kiện dân sự ở New York vì không vụ nào liên quan đến chiến dịch tranh cử hoặc hành vi của ông với tư cách là tổng thống hoặc ứng cử viên chính trị.
Hồi tháng 2, một thẩm phán ở New York đã phán quyết rằng ông Trump sẽ phải nộp phạt 354,9 triệu USD do gian dối về giá trị tài sản ròng của mình với các bên cho vay.
Một vụ khác yêu cầu ông đền bù 83,3 triệu USD vì bôi nhọ nhà văn E. Jean Carroll. Vụ thứ ba yêu cầu ông bồi thường 5 triệu USD vì tội phỉ báng và tấn công tình dục bà Carroll.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của Ủy ban Bầu cử Liên bang, ủy ban hành động chính trị có tên Save America của ông Trump, chiếm 10% phần lớn số tiền do ủy ban gây quỹ chính của cựu tổng thống, đã chi hơn 50 triệu USD cho các chi phí pháp lý kể từ năm ngoái.