Tìm lối thoát khỏi căn bệnh mãn tính

Béo phì là bệnh, cần được hỗ trợ điều trị cả đời, cần nhận thức chung và hành động phối hợp từ toàn thể cộng đồng xung quanh. Chừng nào trên thế giới vẫn còn tồn tại những nhận thức chưa thực sự đầy đủ về căn bệnh này, vẫn còn những lời miệt thị về béo phì thì chừng đó đây vẫn là bệnh lưu hành.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ bị mắc bệnh béo phì tại Chicago, bang Illinois, Mỹ. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Từng chìm đắm trong những ngày tháng sống không kế hoạch, không ước mơ, chỉ để tồn tại với thức ăn là nguồn năng lượng và điều xoa dịu duy nhất, Sandra Elia, từ Toronto, Canada, đã rơi vào quãng thời gian đen tối nhất cuộc đời khi cơ thể thừa tới 45 kg. Cô ngày càng khó chịu với những hệ lụy do khối mỡ thừa trên cơ thể đè nặng từ thể chất tới tinh thần, tự cô lập với bạn bè, đồng nghiệp thậm chí cả với gia đình khiến cuộc sống càng ngày càng mất kiểm soát, liên tục phải nghỉ việc để chữa lành và rơi vào khủng hoảng hôn nhân. Trong nỗ lực tìm cách vực dậy cuộc đời mình của Sandra Elia, từ ý thức đến hành động đều cho thấy không có chế độ giảm cân thần tốc nào có hiệu quả, các con số trên bàn cân càng làm cô thêm áp lực, mọi chế độ ăn uống đều thất bại nhanh chóng. Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi khi Sandra tự ý thức rằng béo phì không phải là vấn đề thẩm mỹ đơn thuần. Đó là căn bệnh cần được điều trị như bao căn bệnh mãn tính khác. Đây là lúc đánh dấu một cú chuyển mạnh mẽ trong nhận thức về bệnh béo phì không chỉ với riêng Sandra mà với cộng đồng người béo phì đến nay đã lên tới gần 1 tỷ người trên thế giới. 

Béo phì là bệnh, cần được hỗ trợ điều trị cả đời, cần nhận thức chung và hành động phối hợp từ toàn thể cộng đồng xung quanh. Chừng nào trên thế giới vẫn còn tồn tại những nhận thức chưa thực sự đầy đủ về căn bệnh này, vẫn còn những lời miệt thị về béo phì thì chừng đó đây vẫn là bệnh lưu hành. Chính vì thế, Ngày Thế giới phòng chống béo phì 4/3 năm 2024 có chủ đề mở “Cùng nói về béo phì và….”, nhằm kêu gọi đoàn kết hành động, phối hợp ứng phó với cuộc khủng hoảng béo phì trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, với chủ đề nhấn mạnh “nói", năm 2024 sẽ là năm thúc đẩy các diễn đàn, các câu chuyện bàn luận về cuộc khủng hoảng này, với sự tham gia của mọi lĩnh vực, nhìn nhận về sức khỏe, sức trẻ và thế giới quanh ta để tìm cách cùng giải quyết vấn đề béo phì một cách có hệ thống.

Trước đây, béo phì không được công nhận là bệnh lý, bị từ chối chi trả bảo hiểm. Gần đây, các tổ chức như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) đã công nhận đây là một bệnh mãn tính, phức tạp, đa yếu tố, đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Dù đã có nhiều nỗ lực, thế giới chưa thể chặn đứng được mà ngược lại, số người béo phì trên toàn thế giới vẫn không ngừng tăng. Theo WHO, tỷ lệ béo phì đã tăng hơn gấp 3 từ năm 1975, ảnh hưởng tới mọi người dân ở các lứa tuổi. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990 và gấp 4 trong nhóm trẻ em và thanh thiếu niên (5-19 tuổi). Năm 2022, thế giới có hơn 1 tỷ người sống chung với béo phì, trong đó có 159 triệu trẻ em và thanh thiếu niên và 879 triệu người trưởng thành, 43% người trưởng thành toàn cầu trong diện thừa cân.     Dân số béo phì trên thế giới ước tính tăng thêm khoảng 167 triệu người năm 2025. Đáng lo ngại dù đây là nguyên nhân khiến nguy cơ tử vong sớm tăng cao với khoảng 2,8 triệu người chết hằng năm, đặc biệt là tình trạng béo phì ở trẻ em nhưng năm 2022, thế giới có khoảng 390 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi thừa cân, trong đó có 160 triệu em béo phì và 75% số này sống ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ mắc béo phì không cao so với khu vực nhưng tốc độ tăng đang nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á, ở mức 38% so với mức 10-20% của các nước Đông Nam Á. Đáng báo động là tình trạng béo phì ở trẻ em độ tuổi đi học, tăng từ 8,5% lên 19% chỉ trong vòng 10 năm (2010-2020), đặc biệt khu vực thành thị cao gấp đôi nông thôn.

Béo phì kéo theo những hệ lụy về y tế cộng đồng, kinh tế và an sinh xã hội nói chung. Không chỉ gây nhiều khó khăn cho chính người bệnh, béo phì còn tạo ra gánh nặng đáng kể cho các hệ thống y tế bởi có hàng loạt bệnh đi kèm như tim mạch, đột quỵ, tiểu đường tuýp 2. Béo phì là tiền đề cho nhiều bệnh mãn tính đi theo cả cuộc đời con người, thậm chí làm gia tăng nguy cơ tử vong vì các chứng bệnh như huyết áp, mỡ máu tăng, dễ bị đau tim và đột quỵ, là yếu tố nguy cơ dẫn tới một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư ruột… Đáng lo ngại, nhiều trẻ em trên thế giới sống trong môi trường không đề cao sức khỏe mà chỉ chú trọng đến cân nặng. Những phán xét và miệt thị mà trẻ nhận phải do thừa cân và béo phì trong cuộc sống hằng ngày cũng làm tổn thương sức khỏe tâm thần và tổn thương lòng tự trọng vốn có thể dẫn tới những “vết sẹo” trong nhân cách của các em khi trưởng thành.

Có nhiều vấn đề khiến béo phì trở thành một dạng bệnh lưu hành trên toàn thế giới, trong đó vấn đề lớn nhất là sự thay đổi trong thói quen ăn uống, theo đó ngày càng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng, đặc biệt là chất béo và đường. Ngoài ra các yếu tố như đô thị hóa nhanh, lối sống ít vận động và nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn cũng góp phần không nhỏ dẫn tới nạn dịch béo phì. Vĩ mô hơn là hệ thống thực phẩm không đảm bảo dinh dưỡng và các hệ thống y tế không kịp thời phát hiện bệnh béo phì cho đến khi bệnh kéo theo những hậu quả khác về sức khỏe. Trong nhiều trường hợp, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn do bất bình đẳng về tài chính, xã hội và những yếu tố thúc đẩy mang tính cấu trúc từ tiếp thị tràn lan đến tỷ lệ bao phủ chăm sóc y tế thấp. 

Chính từ những thực trạng trên, thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn rằng cần có giải pháp mang tính hệ thống cho chứng bệnh phức tạp ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cá nhân và cộng đồng này. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn và xử lý béo phì ngay từ giai đoạn đầu đời tới khi trưởng thành, thông qua cân bằng chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể chất, chăm sóc và điều trị phù hợp khi phát hiện bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng với thế hệ trẻ bởi nhận thức từ sớm ở mỗi công dân toàn cầu sẽ góp phần đáng kể giảm thiểu những yếu tố, vấn đề góp phần khiến bệnh lưu hành.

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, để trở lại lộ trình hướng đến những mục tiêu toàn cầu về hạn chế béo phì, cần có sự phối hợp từ các chính phủ và các cộng đồng, với những chính sách chặt chẽ dựa trên cơ sở khoa học từ các cơ quan y tế có uy tín. Đặc biệt, cần sự hợp tác từ lĩnh vực tư nhân, những đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về những tác động sức khỏe từ sản phẩm mà họ làm ra. Sandra Elia chia sẻ cô đã có cơ hội và cũng là thách thức lớn khi trải nghiệm cả 2 cuộc sống, từ vực thẳm béo phì đến một cuộc sống năng động, tích cực tự yêu thương bản thân và cơ thể để theo đuổi điều trị bệnh suốt cả cuộc đời. Sẽ còn rất nhiều người béo phì trên toàn thế giới được có cơ hội sống cuộc sống thứ hai như của Sandra nếu như toàn thể cộng đồng nâng cao nhận thức về căn bệnh này để cùng phối hợp hành động.

Lê Ánh (TTXVN)
Ngày Thế giới phòng chống béo phì 4/3: Những cách giảm cân tự nhiên
Ngày Thế giới phòng chống béo phì 4/3: Những cách giảm cân tự nhiên

Béo phì là sự thừa cân của cơ thể do sự tiêu thụ quá nhiều calo và ít hoạt động thể chất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN