Tìm kiếm nhận thức chung về Afghanistan

Hội nghị quốc tế về Afghanistan, diễn ra ngày 20/10 tại thủ đô Moskva của LB Nga, là hội nghị thứ ba theo định dạng Moskva, vốn được thành lập năm 2017 trên cơ sở cơ chế tham vấn sáu bên Nga, Afghanistan, Ấn Độ, Iran, Trung Quốc và Pakistan.

Chú thích ảnh
Các thành viên phái đoàn Taliban dự hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Moskva, Nga, ngày 20/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Điểm đáng chú ý, đây là hội nghị quốc tế đầu tiên theo định dạng Moskva diễn ra trong bối cảnh mới, khi lực lượng Taliban đã lên cầm quyền ở Afghanistan, và là hội nghị quốc tế chính thức thứ hai tập trung thảo luận về tình hình Afghanistan, sau Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 12/10.

Thông cáo chung sau hội nghị cũng phản ánh rõ quan điểm này khi đề cập đến sự cần thiết “xây dựng tương tác thực tế hơn nữa với Afghanistan có tính đến thực tế mới” - đó là lực lượng Taliban lên nắm quyền trở lại, bất luận cộng đồng quốc tế có chính thức công nhận chính phủ  mới tại Afghanistan hay không.

Ngay trước hội nghị, nhiều nhà quan sát đã nhận định, sứ mệnh chính của phái đoàn Taliban, do Phó Thủ tướng thứ hai trong nội các lâm thời của Taliban, ông Abdul Salam Hanafi, dẫn đầu là tận dụng mọi diễn đàn quốc tế, cụ thể là hội nghị quốc tế ở Moskva lần này, để bày tỏ quan điểm của lực lượng Taliban tới thế giới. Sau khi giành chính quyền, Taliban đang coi bất kỳ liên hệ nào, đặc biệt trong khuôn khổ các sự kiện chính thức, là một bước tiến tới việc hợp pháp hóa và được các quốc gia khác công nhận. Cho tới nay, cộng đồng quốc tế vẫn chưa công nhận chính phủ lâm thời của Taliban.

Hội nghị ngày 20/10 cũng là cơ hội để đại diện của 10 quốc gia tham dự - gồm Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan bày tỏ quan điểm rõ ràng của mình đối với tình hình hiện nay tại Afghanistan. Đây đều là những nước láng giềng của Agfghanistan, trừ Turkmenistan, 9 nước còn lại đều là thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), có quan hệ và lợi ích gắn liền với sự ổn định của Afghanistan. 

Trong tuyên bố chung sau hội nghị, những quan điểm này đã được thể hiện rõ. Tại hội nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh chìa khóa để giải quyết thành công nhiệm vụ đạt được nền hòa bình bền vững ở Afghanistan là "thành lập một chính phủ có tính toàn diện, phản ánh đầy đủ lợi ích của không chỉ các dân tộc mà cả các lực lượng chính trị của đất nước”. Trong tuyên bố chung, hội nghị đã kêu gọi các nhà lãnh đạo hiện nay ở Afghanistan thực hiện các biện pháp bổ sung để thành lập một chính phủ hòa nhập thực sự và theo đuổi chính sách thân thiện đối với các nước láng giềng.

Rõ ràng nỗi lo chính của các nước trong khu vực Trung Á và Nga cũng như các nước Tây Nam Á như Ấn Độ, Pakistan... chính là nguy cơ chủ nghĩa khủng bố từ Afghanistan lan sang các nước láng giềng và sau đó là ra toàn khu vực. Chính vì thế, các bên tham gia đã kêu gọi Taliban "thực hiện các chính sách đối nội và đối ngoại ôn hòa và hợp lý, áp dụng các chính sách hữu nghị đối với các nước láng giềng; đạt được các mục tiêu chung như hòa bình lâu dài, an ninh, độ tin cậy, thịnh vượng lâu dài và tôn trọng quyền của các dân tộc, phụ nữ và trẻ em”.

Trong tuyên bố chung, các nước tham gia hội nghị đã ghi nhận hài lòng khi chính phủ lâm thời của Taliban "xác nhận các nghĩa vụ được thừa nhận trước đó nhằm ngăn chặn việc sử dụng lãnh thổ của Afghanistan chống lại lợi ích an ninh của các nước láng giềng, các nước khác trong khu vực và thế giới”. Bày tỏ quan ngại về sự xuất hiện của các tổ chức khủng bố ở Afghanistan, các nước tham gia hội nghị  tái khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo an ninh ở Afghanistan nhằm thúc đẩy ổn định khu vực.

Về phần mình, đại diện chính quyền Taliban Hanafi cũng đưa ra những đảm bảo đáng lưu ý. Ông tuyên bố: "chính phủ mới của Afghanistan đang làm tất cả để đảm bảo an ninh đất nước và an toàn cho người dân", đồng thời nhấn mạnh "Không ai bị bức hại vì lý do khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, giới tính hoặc các khác biệt khác”. Ông cho biết lực lượng Taliban “chịu hoàn toàn trách nhiệm về chính phủ mới và những gì đang xảy ra ở đất nước". Theo ông Hanafi, chính sách của chính phủ mới là đảm bảo an ninh cho người dân Afghanistan, an ninh cho các nước láng giềng và toàn bộ khu vực.

Song song với những đảm bảo trên, ông Hanafi cũng thúc đẩy mục tiêu chính của Taliban, cho rằng “nếu chính phủ mới không được công nhận, không được ủng hộ, đương nhiên các phe nhóm đe dọa an ninh của Afghanistan sẽ chỉ gia tăng ảnh hưởng”.

Người đứng đầu bộ ngoại giao chính phủ lâm thời của Taliban, Amir Khan Mottaki, lưu ý rằng nhà chức trách mới của Afghanistan "thực tế đã chứng minh bằng hành động của mình rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ ai”.

Những người tham gia hội nghị đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về thực trạng tình hình kinh tế-xã hội và nhân đạo ở Afghanistan đang ngày càng xấu đi. Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết Nga có kế hoạch sẽ gửi một đợt viện trợ nhân đạo hỗ trợ người dân Afghanistan. Đồng thời, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nêu rõ “Liên hợp quốc (HHQ) cần đóng vai trò điều phối trung tâm trong việc củng cố các nỗ lực quốc tế ở Afghanistan”.

Chia sẻ cách tiếp cận của Nga, những người tham gia hội nghị đề nghị "đưa ra sáng kiến tập thể để triệu tập sớm nhất có thể hội nghị các nhà tài trợ quốc tế dưới sự bảo trợ của LHQ”. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh “trách  nhiệm chính của việc tái thiết và phát triển kinh tế và tài chính sau xung đột ở Afghanistan phải thuộc về các lực lượng có hiện diện quân sự ở nước này trong 20 năm qua".

Bình luận về lời kêu gọi này, ông Khairullah Khairkhwa, giữ cương vị bộ trưởng thông tin và văn hóa trong chính phủ lâm thời của Taliban, lưu ý rằng tất cả các bên tham gia hội nghị đã “thống nhất về nhu cầu cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan”. Ngoài ra, theo ông, những người tham gia hội nghị đã nhất trí rằng Washington cần giải tỏa khoản tiền 9,4 tỷ USD trong tài khoản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan. 

Có thể thấy qua tuyên bố chung tại hội nghị quốc tế về Afghanistan theo "định dạng Moskva", các bên tham gia đã đạt được một số nhận thức chung nhất định. Tuy nhiên, việc Mỹ không tham gia hội nghị quốc tế về Afghanistan do Moskva tổ chức lần này, trong khi Nga và Trung Quốc vắng mặt tại hội nghị quốc tế của G20 về Afghanistan, diễn ra hồi tuần trước, cho thấy lập trường của các nước lớn về vấn đề này còn nhiều khác biệt.

Mặc dù hầu hết đều có quan điểm chung về nhu cầu phải giải quyết tình hình khẩn cấp nhân đạo tại Afghanistan, song cách thức thực hiện và đặc biệt là mục tiêu của các bên liên quan vẫn còn khoảng cách, khiến việc thúc đẩy một nhận thức chung của các nước lớn có quan hệ trực tiếp tới vấn đề này trở nên khó khăn.

Rõ ràng sẽ còn một chặng đường rất dài để có thể ổn định tình hình Afghanistan, trong đó mọi giải pháp hay hoạt động can dự của cộng đồng quốc tế đều phải trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích lâu dài của người dân và sự phát triển ở quốc gia Tây Nam Á này.

Duy Trinh (PV TTXVN tại LB Nga)
LHQ lập quỹ tín thác vì 'nền kinh tế nhân dân' tại Afghanistan
LHQ lập quỹ tín thác vì 'nền kinh tế nhân dân' tại Afghanistan

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 21/10 cho biết đã lập một quỹ tín thác đặc biệt để cung cấp tiền mặt trực tiếp mà người dân Afghanistan đang rất cần, thông qua một hệ thống được kết nối với các quỹ tài trợ đang bị đóng băng kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát nước này hồi tháng 8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN