Thực hư "thỏa thuận bí mật" Mỹ-Iran

Các quan chức Ixraen đã bác bỏ tin tức được đăng tải trên một tờ báo của Ixraen hôm 3/9, trong đó cáo buộc Oasinhtơn đã bí mật đàm phán với Têhêran nhằm đảm bảo rằng Mỹ sẽ không tham gia cuộc chiến tranh Ixraen - Iran trong tương lai.


 

Sơ đồ kế hoạch Ixraen tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

 

Yedioth Ahronoth - tờ báo có lượng độc giả lớn nhất Ixraen - cho biết, Oasinhtơn đã tiếp cận với Têhêran bằng cách thông qua hai quốc gia châu Âu (chưa rõ tên) để chuyển thông điệp của Mỹ rằng nước này sẽ không bị lôi kéo vào các hành động quân sự nếu Ixraen tấn công Iran. Theo tờ báo, Mỹ đã nói với Iran rằng để đổi lại, Têhêran không được tấn công trả đũa nhằm vào các lợi ích của Mỹ, trong đó có quân đội của nước này ở vùng Vịnh. Báo trên không tiết lộ nguồn cung cấp tin tức cho họ.

 

Một quan chức Ixraen, yêu cầu giấu tên, đã bác bỏ tin tức này và cho rằng điều này hoàn toàn phi lý. Quan chức này nói: "Điều này là vô lý. Không cần đưa ra một lời hứa như vậy đối với Iran bởi Iran hiểu rằng họ không nên tấn công vào các mục tiêu Mỹ để rồi bị hứng chịu các cuộc ném bom ồ ạt của Mỹ".


Trước mắt, Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về tin tức được đăng trên tờ Yedioth Ahronoth. Tổng thống Barack Obama đang chống lại những cáo buộc từ ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney rằng ông đang tỏ ra hời hợt trong việc ủng hộ Ixraen - đồng minh lâu năm của Oasinhtơn tại Trung Đông. Chính quyền của Tổng thống Obama khẳng định họ có cam kết mạnh mẽ đối với an ninh của Ixraen và ngăn Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngày 2/9, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói: "Tôi có thể nói với các bạn rằng hoàn toàn không có khoảng cách nào giữa Mỹ và Ixraen trong vấn đề cần thiết phải ngăn chặn Iran đạt được vũ khí hạt nhân".


Cả Mỹ và Ixraen đều cáo buộc Iran đang phát triển khả năng hạt nhân để có thể chế tạo vũ khí, đồng thời cho rằng họ có quyền sử dụng các hành động quân sự để ngăn cản Iran chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Obama đã nhiều lần công khai khẳng định, ngoại giao và các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran cần thêm thời gian để phát huy tác dụng. Phó Thủ tướng Ixraen Dan Meridor cho biết, ông vẫn tin vào sự đảm bảo của Tổng thống Obama rằng Oasinhtơn đã chuẩn bị sử dụng vũ lực nếu cần thiết nhằm ngăn Iran phát triển bom hạt nhân. Ông này nói: "Tôi không biết báo Yedioth Ahronoth đã nghe ngóng được tin tức gì. Tuy nhiên, theo tôi, Iran hiểu rằng nếu họ vượt qua ranh giới để tiến tới chế tạo bom (hạt nhân), họ có thể phải đối mặt với sự phản đối rất quyết liệt. Mọi khả năng đều được tính tới giống như Tổng thống Mỹ đã nói".


Iran bác bỏ cáo buộc rằng nước này đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân và đe dọa sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ nếu bất kể Mỹ hay Ixraen tấn công nước này.


Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, việc ủng hộ Ixraen cũng là một vấn đề quan trọng đối với nhiều cử tri Mỹ, bao gồm những người Cơ đốc giáo theo phái Phúc âm và những người Do Thái, vốn đóng vai trò quan trọng tại các bang đang diễn ra cuộc tranh đua gây cấn giữa hai ứng của viên tổng thống như bang Florida và Pennsylvania. Ông Obama muốn gia tăng sự ủng hộ của các cử tri Do Thái dành cho mình. Trong cuộc bầu cử năm 2008, ông đã nhận được 78% số phiếu bầu của những người Do Thái. Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận trên toàn quốc của Viện Gallup hồi tháng 6 vừa qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người Do Thái dành cho ông Obama đã giảm xuống còn 64%, trong khi ông Romney nhận được 29% sự ủng hộ.


Tháng 3/2012, Tổng thống Obama từng khẳng định: "Tôi có sự ủng hộ của Ixraen". Tuy nhiên, các quan chức trong chính quyền cũng nói rõ rằng họ lo ngại về khả năng Ixraen tấn công Iran. Tờ The Guardian (Người bảo vệ) của Anh trích lời Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, khi nói về khả năng Ixraen tấn công Iran: "Tôi không muốn có sự dính líu nếu họ (Ixraen) chọn cách làm như vậy". Tổng thống Obama được cho là có quan hệ lạnh nhạt với Thủ tướng Ixraen là ông Benjamin Netanyahu, người sắp tới thăm Mỹ.


Đề cập tới điều được coi là nội dung chính trong chuyến thăm Mỹ sắp tới, ngày 2/9 ông Netanyahu nói rằng đã tới lúc các cường quốc thế giới phải vạch ra "giới hạn đỏ rõ ràng" cho các hoạt động hạt nhân của Iran. Cho tới nay, phương Tây đã không thể thuyết phục Têhêran rằng họ thực sự quyết tâm ngăn chặn hoạt động hạt nhân của Iran. Tại Ixraen, những bình luận này của ông Netanyahu được cho là những lời chỉ trích nhằm vào ông Obama.


Về bình luận của Tướng Demsey, Phó Thủ tướng Ixraen Meridor nói: "Tôi lấy làm tiếc là chúng ta đã rơi vào tình huống như hiện nay khi ông Dempsey nói những điều như vậy, song chiến dịch (chống Iran) này sẽ vẫn tiếp tục, và nó phải được thực hiện một cách khôn ngoan".


Nội các Ixraen đang bị chia rẽ bởi tranh cãi rằng việc tấn công Iran có phải là một hành động khôn ngoan hay không. Các quan chức Ixraen đã đưa ra những gợi ý khá rõ ràng về chiến lược nhượng bộ, theo đó, ông Netanyahu sẽ gác lại những đe dọa này, đổi lại Tổng thống Mỹ Obama phải có những cam kết công khai mạnh mẽ hơn và hứa Mỹ sẽ có hành động trong tương lai.


TTK (Theo Reuters)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN