Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA đã kết luận năm 2014 là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Như vậy với tình hình diễn biến hiện nay, rất có thể năm 2015, 2016 và các năm sau nữa sẽ lại được “mệnh danh” là “nóng nhất lịch sử” nếu thế giới không làm gì đó để ngăn tình trạng ấm lên toàn cầu. Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm nào cũng diễn ra, thu hút sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo của thế giới. Thế nhưng đa số các hội nghị đều kết thúc trong bế tắc hoặc có chăng chỉ là kết quả chung chung, tượng trưng, tránh để cho hội nghị bị “mang tiếng” là thất bại. Hội nghị gần đây nhất ở Lima, Peru năm 2014 đã là lần thứ 20 và bị coi là một bước thụt lùi.
Các đại biểu tham dự hội nghị biến đổi khí hậu ở Peru năm 2014. Ảnh: AFP - TTXVN
|
Mục tiêu cao nhất của các hội nghị biến đổi khí hậu là thống nhất thỏa thuận, hành động chống tình trạng ấm lên toàn cầu. Hồi năm 1992, hầu như mọi nước đều ký và thông qua Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, văn bản là nền tảng cho các cuộc đàm phán về khí hậu sau này. Theo công ước đó, các nước đều nhất trí hành động để “ổn định lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra trong bầu không khí ở mức sao cho nó không gây nguy hiểm cho hệ thống khí hậu”. Các nước đều hiểu rằng nên làm gì đó nhưng không ai rõ “gì đó” cụ thể như thế nào. Công ước cũng đặt ra một số câu hỏi: Thế nào là mức nguy hiểm với khí hậu? Cần phải giảm bao nhiêu khí thải? Các nước chia sẻ trách nhiệm ra sao?
Về sau, những câu hỏi này đã có câu trả lời. Chúng ta đã có Nghị định thư Kyoto 1997 hay Hiệp ước Copenhagen 2009. Theo Nghị định thư Kyoto 1997, các nước giàu nhất đồng ý hành động tiên phong trong cắt giảm khí thải. Năm 2009, theo Hiệp ước Copenhagen, các nước nhất trí về định nghĩa “nguy hiểm”. Theo đó, họ cho rằng không được để cho nhiệt độ Trái Đất tăng quá 2 độ C so với mức trước khi thế giới bước vào thời kỳ công nghiệp.
Thế nhưng, mục tiêu ổn định lượng khí thải trong bầu khí quyển vẫn không thực hiện được. Thế giới đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn bao giờ hết, lượng CO2 cứ tăng dần đều từng năm. Theo các nhà phân tích, ngay cả khi nước nào cũng thực hiện đúng cam kết, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ cao hơn từ 3 đến 4,6 độ C đến cuối thế kỷ 21 này, bỏ xa mục tiêu 2 độ C.
Hậu quả của biến đổi khí hậu không ở thì tương lai mà ở thì hiện tại tiếp diễn. Trong mấy năm trở lại đây, thế giới trải qua vô số hiện tượng thời tiết cực đoan, để lại hậu quả nặng nề, điển hình như siêu bão Haiyan tràn qua Philippines cuối năm 2013 khiến trên 6.000 người thiệt mạng và cuốn theo 2,86 tỷ USD tài sản.
Năm 2014, Slovenia và Australia trải qua đợt nắng nóng khủng khiếp, trong khi Việt Nam lại có tuyết rơi. Nước Anh có mùa đông ẩm ướt nhất trong 250 năm qua. Còn nhiệt độ ở Nga và Bắc Cực lại cao hơn mức bình thường những 10 độ C. Những hiện tượng thời tiết bất thường chính là bằng chứng ngày càng rõ ràng của biến đổi khí hậu.Khi khí hậu toàn cầu ấm lên, băng ở hai cực tan chảy nhanh hơn, mực nước biển dâng cao sẽ nuốt chửng một số vùng đất thấp. Người ta dự báo trong năm 2015, người dân ở quần đảo Carteret ở Papua New Guinea sẽ buộc phải rời bỏ quê hương do bị nước biển xâm lấn. Họ sẽ là những người đầu tiên phải tị nạn do hiện tượng biến đổi khí hậu.
Không chỉ dừng lại ở việc gây ra thời tiết bất thường, làm nước biển dâng, biến đổi khí hậu còn khiến dịch bệnh hoành hành mạnh hơn và khó lường hơn. Một số nhà khoa học cho rằng chính biến đổi khí hậu là nhân tố khiến dịch Ebola bùng phát dữ dội trong năm 2014.
Hậu quả của biến đổi khí hậu ai cũng nhìn thấy nhưng có một sự thật đáng buồn: Đây là một vấn đề cực kỳ khó giải quyết vì thủ phạm chính của tình trạng này là khí CO2- vốn là sản phẩm phụ của hầu như bất kỳ hoạt động dựa vào carbon nào của con người trong thế giới hiện đại. Với nhiều nước, giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải thay đổi cơ bản hệ thống năng lượng. Muốn làm được điều này cần trả cái giá rất cao, không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về mặt chính trị và xã hội. Do vướng mắc ở chi phí mà suốt 20 năm qua, các cuộc đàm phán toàn cầu luôn ở trong tình trạng “bế tắc bền vững”.
Cần phải nhắc đến một sự thật mang tính cảnh báo về biến đổi khí hậu: Nếu các nước không chịu hy sinh chi phí để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính hôm nay, thì ngày mai chính họ sẽ phải “è cổ” chi các khoản giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu. Khi ấy, cái giá phải trả có thể còn cao gấp bội.
Thùy Dương