Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Kiev ngày 25/1/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thời gian qua, dư luận không quá bất ngờ khi chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang tăng cường gây sức ép buộc Ukraine ký một thỏa thuận cho phép Washington tiếp cận các kim loại quý, đất hiếm của Ukraine để đổi lấy viện trợ quân sự liên tục. Nhưng liệu một thỏa thuận như vậy có khả thi? Và tại sao nguồn tài nguyên dưới lòng đất của Ukraine tại sao lại đột nhiên trở thành trọng tâm trong mối quan hệ Mỹ-Ukraine?
Nguồn tài nguyên quan trọng của Ukraine
Ukraine sở hữu trữ lượng khoáng sản đáng kể, bao gồm lithium (chiếm 2% trữ lượng toàn cầu), graphite (4%), nickel (0,4%), mangan, uranium và các kim loại đất hiếm. Đặc biệt, titanium của Ukraine ước tính chiếm tới 20% trữ lượng thế giới. Tuy nhiên, gần 40% các mỏ này hiện nay đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga hoặc nằm trong khu vực đang xảy ra giao tranh. Điều này khiến bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây nhằm tiếp cận, khai thác nguồn tài nguyên giàu có này trở thành một vấn đề không hề dễ dàng.
Kể từ khi tuyên bố độc lập, Ukraine gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành khai khoáng. Thành công đáng kể duy nhất là vụ tư nhân hóa Nhà máy luyện kim Krivoy Rog của ArcelorMittal vào giữa những năm 2000. Ngoài ra, các công ty phương Tây hầu như không tham gia các dự án mới, một phần do Điều 13 Hiến pháp Ukraine nghiêm cấm tư nhân hóa tài nguyên thiên nhiên.
Lời gợi ý của Thượng nghị sĩ Graham
Ý tưởng sử dụng tài nguyên khoáng sản của Ukraine để đảm bảo sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ lần đầu tiên được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người từ lâu đã ủng hộ một quan hệ thân thiết hơn giữa Washington và Kiev. Ông Graham thường xuyên đến Ukraine trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến, đưa ra những bài phát biểu mạnh mẽ với hàm ý: Ukraine đang làm đúng, nhưng chính các chính trị gia Mỹ lại đang làm Ukraine thất vọng.
Trước thời điểm bầu cử, với viễn cảnh ông Trump có thể trở lại Nhà Trắng, ông Graham nhận định vị Tổng thống thứ 45 sẽ không quan tâm nhiều đến các giá trị “lỗi thời” trước đây vì ông ấy là một doanh nhân, luôn suy nghĩ theo hướng giao dịch. Do đó, ông gợi ý Ukraine nên đưa ra một đề nghị hấp dẫn để thuyết phục ông Trump đầu tư vào quốc phòng của họ, chẳng hạn như trao cho Mỹ quyền khai thác tài nguyên khoáng sản của Ukraine.
Nhóm thân cận của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhanh chóng tiếp nhận ý tưởng này và đề xuất với ông Trump sau thời điểm nhậm chức. Theo truyền thông Ukraine, Kiev tin rằng đổi lại, họ sẽ nhận được vũ khí, đầu tư, công nghệ khai khoáng tiên tiến, một phần đáng kể sản lượng khai thác và thậm chí có thể là quân đội Mỹ đồn trú tại Ukraine. Họ hình dung một viễn cảnh mà mọi thứ sẽ diễn ra một cách tự động mà không cần quá nhiều nỗ lực từ phía Ukraine.
Ông Trump đưa ra "tối hậu thư"
Tuy nhiên, mọi thứ dường như không xảy ra theo những kịch bản quá hoàn hảo như trên. Ông Trump đã cử Kiev một quan chức "kế toán viên" với một bản dự thảo đã lên sẵn và yêu cầu nước này đồng ý. Việc đồng ý này trên tâm thế Ukraine đang “nợ” Mỹ các khoản tiền trước đây và phải trả thông qua nguồn khoáng sản giàu có hiện nay.
Theo các nguồn tin phương Tây, đề xuất của ông Trump yêu cầu Ukraine giao lại tài nguyên khoáng sản như một khoản thanh toán để hồi lại cho hàng tỷ USD viện trợ quân sự Mỹ đã cung cấp. Đổi lại, không có cam kết rõ ràng nào về việc Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí hoặc đảm bảo an ninh trong tương lai. Điều này khiến cho nhà lãnh đạo Ukraine đã không chấp nhận.
Mâu thuẫn lợi ích giữa Mỹ và Ukraine lên đến đỉnh điểm khi tại Hội nghị An ninh Munich, nơi ông Zelensky gặp Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance. Vấn đề tài nguyên khoáng sản được đánh giá là trọng tâm của cuộc thảo luận và sau khi ông Zelensky tiếp tục từ chối ký kết, phía Mỹ tỏ ra khá thất vọng.
Không có gì ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có phản ứng khi tuyên bố cảm thấy không hài lòng về cuộc thảo luận với phía Ukraine về thỏa thuận khoáng sản, đồng thời ngụ ý rằng nhà lãnh đạo Ukraine đã thay đổi quan điểm đề ra trước đây.
Dường như sẽ không có thỏa thuận nếu không có Nga
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá ngay cả khi Ukraine đồng ý ký kết thỏa thuận với Mỹ thì việc khai thác nguồn tài nguyên trên cũng khó có thể thực hiện hoàn toàn nếu thiếu đi nhân tố Nga.
Trước hết, bất kỳ dự án khai thác lớn nào cũng gần như phải cần đến sự hợp tác của Nga. Ông Trump sẽ cần sự đảm bảo từ Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng các cơ sở khai thác do Mỹ sở hữu sẽ không trở thành mục tiêu quân sự. Điều này có thể xảy ra, nhưng điều này sẽ phải nằm trong khuôn khổ một thỏa thuận khác hơn giữa Washington và Moskva. Ngoài ra, những đồn đoán về việc triển khai quân đội Mỹ hoặc lực lượng quân sự tư nhân để bảo vệ các mỏ khoáng sản đang khá phi thực tế. Điện Kremlin chắc chắn sẽ không chấp nhận điều này.
Bên cạnh các mối lo ngại về an ninh, tính khả thi về mặt thương mại của “dự án” trên lại là một vấn đề khác. Việc sở hữu trữ lượng lớn không đồng nghĩa với việc có thể khai thác hiệu quả. Nhiều mỏ khoáng sản tiềm năng nhất của Ukraine hoặc đã cạn kiệt, hoặc đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, hoặc thuộc khu vực chiến sự. Việc phát hiện và khai thác các địa điểm mới sẽ đòi hỏi khoản đầu tư hàng chục tỷ USD – một viễn cảnh phi thực tế trong tình hình hiện nay.
Tình huống này gợi nhớ đến đề nghị năm 2017 của ông Trump về việc khai thác kim loại đất hiếm tại Afghanistan, nơi ông tin rằng có thể giúp Mỹ thu hồi chi phí chiến tranh. Mặc dù có ước tính cho rằng Afghanistan sở hữu hơn 1.000 tỷ USD tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, nhưng không một công ty Mỹ nào từng đổ tiền vào để tiến hành khai thác. Thay vào đó, ba năm sau, ông Trump đã ký thỏa thuận với Taliban và rút quân khỏi Afghanistan.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Zelensky
Vậy tại sao ông Trump lại quá chú trọng vào vấn đề khoảng sản trên tại Ukraine vào thời điểm hiện nay? Nhiều người lý giải rằng đó một phần là do tư duy kinh doanh của ông Trump – luôn tìm kiếm các giao dịch tiềm năng, dù có thể không thành hiện thực. Nhưng điều này cũng được xem là một phép thử đối với nhà lãnh đạo Ukraine để xem liệu ông Zelensky có sẵn sàng nhượng bộ trước áp lực từ chính quyền Mỹ mới hay không.
Nếu ông Zelensky ký thỏa thuận, ông Trump sẽ có một chiến thắng chính trị để trình bày với cử tri, rằng viện trợ quân sự không còn là một khoản cho không nữa, mà đã trở thành một thương vụ mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Trên thực tế, kể cả nước Mỹ không cần khai thác gì thì đó cũng là một thành công lớn và tạo ra hình ảnh rằng Mỹ đã có lợi trong hợp tác với Ukraine.
Tuy nhiên, đối với ông Zelensky, ký kết thỏa thuận này có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị hiện nay. Các đối thủ, nhất là phe đối lập trong nước chắc chắn sẽ lợi dụng vấn đề này để lên tiếng chỉ trích khi đã lấy nguồn tài nguyên quốc gia ra để mặc cả.
Điều này đặt ra cho Tổng thống Zelensky một thế khó để quyết định: ký thỏa thuận và đối mặt với làn sóng phản đối trong nước, hoặc từ chối ký kết và có nguy cơ mất đi sự ủng hộ lớn nhất để tiếp tục nhận viện trợ quân sự. Dù quyết định thế nào, nhà lãnh đạo Ukraine cũng đang bị cuốn vào một vòng xoáy rất khó để kiểm soát.