Thế 'kẹt NSA' của Tổng thống Mỹ

Thẩm phán Liên bang Mỹ Richard Leon đã tuyên bố rằng chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) nhằm nghe trộm điện thoại của người dân Mỹ là vi phạm Hiến pháp.

Tổng thống Mỹ Barack Obama.


Theo "Thời báo Tài chính" (Anh), động thái này đã tạo ra một cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn dự kiến giữa một số cá nhân, tổ chức và chính quyền nước này, và chỉ có thể kết thúc ở Tòa án Tối cao. Cuộc chiến pháp lý này cũng có thể giúp xác định những giới hạn của việc do thám điện tử trong kỷ nguyên của điện thoại thông minh.

Ông Leon được bổ nhiệm làm Thẩm phán Liên bang Mỹ ngày 10/9/2001, tức là đúng một ngày trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố phá hủy Tòa tháp đôi ở New York. Trong bản phán quyết dài 68 trang công bố ngày 16/12, ông Leon muốn chỉ ra lỗ hổng pháp lý lớn thông qua chương trình do thám điện tử của NSA được thiết lập sau sự kiện ngày 9/11/2001.

Ông Leon xác định việc NSA nghe lén điện thoại của hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có hàng triệu công dân Mỹ, là vi phạm Hiến pháp, xâm phạm điều luật về quyền riêng tư của các cá nhân.

Phán quyết của Thẩm phán Leon đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính trị đối với Nhà Trắng hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết những rắc rối liên quan tới chương trình do thám của NSA sau khi bị Edward Snowden tiết lộ hồi mùa hè vừa qua.

Tổng thống Barack Obama có thể sẽ tận dụng ý kiến của ông Leon như là một vỏ bọc chính trị để thúc đẩy những cải cách mạnh mẽ về các chương trình do thám, hoặc ông cũng có thể quyết định không nhượng bộ và thử vận may của mình ở Tòa án Tối cao.

Khi còn làm Thượng nghị sĩ, ông Obama từng chỉ trích các điều luật cho phép tiến hành chương trình nghe lén điện thoại trên quy mô lớn và bây giờ, dưới áp lực cả ở trong và ngoài nước về ý kiến cho rằng NSA đang bị mất kiểm soát, ông đang phải tìm cách để lấy lại niềm tin của công chúng đối với cơ quan này. Tận dụng phán quyết của Thẩm phán Leon để thúc đẩy việc cải tổ lại hoạt động thu thập thông tin qua điện thoại, ông Obama có thể làm hài lòng một số yêu cầu chính trị mà ông đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, cộng đồng tình báo Mỹ lại đang vận động Nhà Trắng tiếp tục duy trì chương trình nghe lén điện thoại gây tranh cãi này. Phát biểu trên Đài truyền hình CBS ngày 15/12 vừa qua, Giám đốc NSA, tướng Keith Alexander, cho rằng chương trình này có thể giúp Mỹ tránh được thảm họa ngày 11/9/2001 bởi vì nó cho thấy hai trong số những tên không tặc có liên lạc với một nơi ẩn náu của các thành viên al-Qaeda ở Yemen.

Tướng Alexander cũng bác bỏ một trong những đề xuất cải cách đó là dữ liệu sẽ được các công ty cung cấp dịch vụ điện thoại nắm giữ chứ không phải là NSA vì ông cho rằng việc này sẽ rất chậm trễ và phức tạp. Ông nói: "Nếu bạn không có dữ liệu ở đâu đó, bạn sẽ không thể tìm thấy chúng".

Chương trình do thám cũng đã được đưa vào các dự luật đang được Quốc hội Mỹ xem xét. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein đề xuất một dự luật trong đó yêu cầu việc thu thập thông tin cần phải thực hiện trên cơ sở pháp lý vững chắc, trong khi một dự luật khác do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Đại diện James Sensenbrenner đồng bảo trợ lại kêu gọi việc hủy bỏ chương trình do thám này.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự bất đồng về vấn đề trên, hồi đầu tuần này, ông Sensenbrenner cho rằng "dự luật của ông Feinstein chỉ là trò cười", trong khi ông Leahy cho biết phán quyết mới sẽ thúc đẩy sự ủng hộ đối với dự luật của ông. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, nếu không có sự ủng hộ của chính quyền, dự luật của ông Leahy và ông Sensenbrenner khó có thể được thông qua ở thời điểm hiện nay.

Nếu chính quyền Obama không thúc đẩy những cải cách mạnh mẽ về chương trình do thám, Nhà Trắng sẽ phải lo lắng chờ đợi tòa án cấp cao hơn đưa ra phán quyết mới. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng chính quyền Obama có khả năng thắng kiện ở Tòa Phúc thẩm khu vực Washington.

Tuy nhiên, phản ứng của Tòa án Tối cao lại càng khó đánh giá hơn. Trong một vụ kiện gần đây liên quan tới việc sử dụng các công nghệ mới trong do thám, các thẩm phán Tòa án Tối cao tuyên bố cảnh sát cần phải có giấy phép sử dụng hệ thống định vị toàn cầu để theo dõi xe hơi của các nghi can.

Điều đó sẽ đẩy ông Obama vào tình thế khó khăn. Nếu Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng NSA vi phạm Hiến pháp khi thực hiện nghe lén điện thoại của hàng triệu công dân Mỹ thì nó sẽ để lại một vết nhơ trên di sản của ông.


Huy Hiệp
Rào cản nội bộ của ông Obama trong vấn đề Iran
Rào cản nội bộ của ông Obama trong vấn đề Iran

Khi Iran và nhóm P5+1 bước vào vòng đàm phán tại Geneva, nhiều người hy vọng hai bên sẽ nhanh chóng tìm được tiếng nói chung và chính quyền Iran có thể trở thành một đối tác của Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề gai góc nhất của Tổng thống Mỹ Obama không xuất phát từ đối thủ, mà là từ nội bộ và đồng minh.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN