Điều mà thị trường thấp thỏm là động thái đó sẽ tác động tới Mỹ nói riêng và thế giới nói chung như thế nào?
Nếu FED tăng lãi suất, đây sẽ là lần tăng đầu tiên kể từ năm 2006 - khi FED áp dụng mức lãi suất thấp gần bằng 0 để kích thích tăng trưởng kinh tế vốn đang chìm sâu vào suy thoái và thất nghiệp tràn lan. Nay nền kinh tế Mỹ đã hồi phục, số lượng công ăn việc làm mà nước này tạo ra trong tháng 11/2015 ở mức cao: 211.000 - cao hơn kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức được cho là lành mạnh: 5%. Như vậy, một trong hai trở ngại lớn cuối cùng ngăn cản FED tăng lãi suất đã được loại bỏ. Báo cáo việc làm tháng 10, rồi tháng 11 là tín hiệu “đèn xanh” cho FED.
Thị trường lao động khởi sắc tạo đà cho FED tăng lãi suất vào giữa tháng 12 này. Ảnh: New York Times |
Một yếu tố khác để FED lấy căn cứ quyết định tăng lãi suất là tỷ lệ lạm phát. Mục tiêu của FED là 2% - mức đủ để khuyến khích chi tiêu tiêu dùng ở mức lành mạnh và đủ để loại bỏ rủi ro giảm phát có thể khiến kinh tế đình trệ. Theo báo cáo, lạm phát trong tháng 11 tăng 1,1%, phục hồi từ mức thấp kỷ lục 0,4% trong tháng 10. Phó Chủ tịch FED Stanley Fischer đầu tháng 11 cho biết hiện nước Mỹ đã tới rất gần mục tiêu 2% .
Một khi FED nâng lãi suất đồng USD, tác động sẽ mang tính toàn cầu vì đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới và nhiều quốc gia vay tiền bằng đồng USD. Các nhà phân tích cho rằng những người nắm giữ đồng tiền của các nước châu Á và các thị trường mới nổi có thể đứng ngồi không yên trong những tháng tới khi các thị trường phản ứng với đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED trong gần chục năm qua. Ông Trevor Charsley thuộc Công ty Cung cấp dịch vụ ngoại hối AFEX (Anh) nhận định: “Khi Mỹ bắt đầu tăng lãi suất, tiền trả nợ sẽ tăng lên và các thị trường mới nổi sẽ thêm gánh nặng”.
Cụ thể, tăng lãi suất đồng USD sẽ khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi do các nhà đầu tư quay trở lại nơi an toàn là thị trường Mỹ vì giờ lợi nhuận sẽ cao hơn so với trước kia. Chính phủ và các công ty thuộc các nước mới nổi sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi dòng vốn đầu tư dần dần cạn kiệt. Hơn nữa, do phần lớn khối nợ của các nước mới nổi là bằng đồng USD - đồng tiền vốn rất hấp dẫn vì có lãi suất siêu thấp. Nay một khi lãi suất không còn siêu thấp nữa thì những khoản nợ này có thể không bền vững và khó trả hơn. Do đó, không ngạc nhiên khi chuyện tăng lãi suất mới chỉ là khả năng mà đã khiến dòng vốn chảy mạnh ra khỏi các thị trường mới nổi. Như ở Ấn Độ, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 1 tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 11/2015 một phần do lo ngại FED có thể tăng lãi suất.
Trong bối cảnh đó, một số thị trường phát triển và đang phát triển cũng có thể sẽ dùng tới biện pháp tăng lãi suất để tránh mất nguồn vốn về Mỹ. Động thái tăng lãi suất nhằm hai mục đích: Giảm tỷ lệ lạm phát có thể tăng do đồng nội tệ suy yếu trước đồng USD và thu hút nguồn vốn để tránh đồng tiền mất giá thêm. Tuy nhiên, nếu các nước này phản ứng bằng tăng lãi suất thì cũng sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình chi tiêu, vay mượn và cuối cùng là tăng trưởng của nền kinh tế.
Khi các dòng vốn bắt đầu quay về Mỹ, các nước mới nổi sẽ chứng kiến đồng USD tăng giá so với đồng nội tệ và các đồng tiền chủ chốt khác. Kết quả là gây bất lợi cho ngành xuất khẩu nước đó, dẫn tới lạm phát tăng ở những nước mà đồng nội tệ đã suy yếu trước đồng USD. Trong bối cảnh nhiều thị trường đã, đang chật vật với khó khăn kinh tế thì việc Mỹ tăng lãi suất có thể khiến tình hình của các nước này tồi tệ hơn. Nhà kinh tế Kaushik Basu của Ngân hàng Thế giới cho rằng lãi suất của Mỹ tăng sẽ gây “hoảng sợ và hỗn loạn” cho các thị trường như Nam Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ có tác động ngay lập tức. Tuy nhiên, đối với mỗi thị trường, tác động sẽ không giống nhau và có thể không nghiêm trọng đến mức gây ra khủng hoảng.
Ông Ravi Muthukrishnan thuộc Công ty Chứng khoán ICICI (Ấn Độ) nhận định: “Tất cả chúng tôi đều lo về việc FED tăng lãi suất nhưng có một điều khiến chúng tôi lo hơn là tốc độ tăng lãi suất”. Các thị trường hầu như đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc FED tăng lãi suất từ lâu vì sớm muộn điều này cũng sẽ xảy ra. Điều mà các thị trường chưa nắm được đó chính FED sẽ tăng bao nhiêu.
Phần lớn dư luận cho rằng nếu FED tăng lãi suất, mức tăng lần đầu sẽ là 25 điểm phần trăm. Còn theo dự báo của nhà kinh tế Jan Hatzius thuộc Ngân hàng Đầu tư Mỹ Goldman Sachs, trong cả năm 2016, FED sẽ tăng lãi suất đồng USD lên ít nhất là 100 điểm phần trăm.