'Tháng mùa Đông ảm đạm' của đại dịch COVID-19

Thế giới đã thực sự bước vào "mùa Đông ảm đạm" của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khi nước Mỹ lần đầu tiên vượt ngưỡng hơn 90.000 ca mắc trong một ngày, khi Pháp buộc phải tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, khi Tây Ban Nha lần thứ hai ban bố tình trạng khẩn cấp, khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản chính thức chạm con số 100.000 ca sau 2 tuần tăng liên tục mỗi ngày...

Sáng 30/10, thế giới ghi nhận hơn 45 triệu ca mắc COVID-19, đồng nghĩa với khoảng thời gian thêm 5 triệu ca mắc tiếp tục rút ngắn (còn 12 ngày, so với 14 ngày số ca mắc từ 35 triệu lên 40 triệu). 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện gần Miami, Mỹ, ngày 30/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn biến dịch khó lường và số ca mắc COVID-19 tăng đột biến ở nhiều khu vực khiến tháng 10 này đã trở thành "tháng ảm đạm" của đại dịch trên thế giới. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, danh sách bệnh nhân COVID-19 đã tăng thêm 10 triệu. Bệnh nhân thứ 35 triệu được công bố ngày 4/10, thì đến tối 18/10 toàn thế giới xác nhận có hơn 40 triệu người mắc COVID-19, nhanh hơn 4 ngày so với khoảng thời gian từ 30 triệu lên 35 triệu. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tốc độ gia tăng theo cấp số nhân số ca mắc mới COVID-19 kể từ đầu tháng 10. Riêng trong tuần thứ ba của tháng đã có hơn 2 triệu trường hợp mắc COVID - thời gian ngắn nhất từ trước đến nay. Điều đó cho thấy làn sóng dịch mới đang quay lại trong mùa Đông này thực sự khốc liệt hơn so với đợt dịch đầu tiên hồi đầu năm. Để so sánh rõ hơn, thế giới ghi nhận 4,5 triệu ca mắc ngày 15/5, tức là đúng 5 tháng rưỡi sau, số ca mắc tăng gấp 10 lần.  

Tại Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19, Đại học Johns Hopkins thông báo trong vòng 24 giờ (tính đến 7 giờ h30 sáng 30/10 giờ Việt Nam), ghi nhận 91.295 ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày ở Mỹ vượt con số 90.000. Sau vài tuần số ca mắc mới giảm, duy trì ở mức 50.000 mỗi ngày, từ giữa tháng 10 tới nay, Mỹ liên tục chứng kiến số ca mắc mới ở mức xấp xỉ 80.000 ca/ngày. Giới chuyên gia nhận định điều đó có nghĩa làn sóng dịch thứ ba đã tấn công nền kinh tế lớn nhất thế giới.  

Làn sóng dịch thứ hai đang phủ bóng đen lên toàn bộ châu Âu. Liên tiếp hơn nửa tháng nay, châu Âu có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới. Tuần qua, hơn 1,3 triệu ca mắc COVID-19 được xác nhận tại châu Âu, chiếm khoảng 46% tổng số ca nhiễm mới trên toàn thế giới. Lần lượt Tây Ban Nha, rồi Pháp trở thành hai nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) "ghi tên" vào danh sách các quốc gia có hơn 1 triệu ca mắc COVID-19. Tới nay, 23 trong tổng số 27 nước thành viên EU (trừ Cyprus, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp) đều có mức độ lây lan dịch bệnh ở mức "rất đáng quan ngại". Số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 và phải chăm sóc đặc biệt đã tăng lên ở 21 quốc gia trên khắp châu Âu, không những khiến hệ thống y tế nhiều nước rơi vào quá tải, mà còn gây hậu quả nghiêm trọng khi số ca tử vong tăng khoảng 35% so với tuần trước. 

Bản thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải lên tiếng thừa nhận tất cả các quốc gia châu Âu đều “bất ngờ” trước tốc độ lây lan chóng mặt của virus SARS-CoV-2. Riêng tại Pháp, số ca có xét nghiệm dương tính mỗi ngày hiện vượt quá 50.000 trường hợp, buộc Tổng thống Pháp phải tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 30/10 đến 1/12, biện pháp mà Ireland trước đó đã thực hiện, trong khi Đức, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Séc, Anh... lo ngại có thể phải dùng tới "lựa chọn cuối cùng" này nếu biện pháp phong tỏa từng phần không ngăn được virus lây lan nhanh. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Lembang,Tây Java, Indonesia, ngày 29/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tháng 10 cũng ghi "dấu mốc buồn" ở châu Á, khi châu lục đông dân nhất thế giới trở thành khu vực thứ hai có hơn 10 triệu ca nhiễm, chỉ sau Mỹ Latinh. Đến ngày 30/10, với trên 13,5 triệu ca mắc, châu Á chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 45,3 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2. Khu vực Nam Á đứng đầu là Ấn Độ ( hiện số ca bệnh đã vượt 8 triệu) bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi ghi nhận gần 21% tổng số ca mắc toàn cầu và số ca tử vong chiếm 12%.   

Trong khi đó, diễn biến dịch tại nhiều nước Đông Nam Á chưa được cải thiện. Malaysia ngày 24/10 lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày tăng ở mức 4 chữ số, thêm 1.228 ca. Indonesia mỗi ngày thêm gần 4.000 ca mắc mới. Tại khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc đang chứng kiến số ca mắc tăng trở lại lên 3 chữ số.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp trong giai đoạn mùa Đông, khi virus có điều kiện lây lan nhanh chóng hơn, khiến WHO đặc biệt quan ngại. Trên thực tế, nhiều chính phủ đang phải vật lộn để cân bằng giữa các biện pháp hạn chế chống dịch mới với việc phục hồi các nền kinh tế vốn đang rơi vào trì trệ do ảnh hưởng do các biện pháp cách ly nghiêm ngặt từ những tháng đầu năm. Giới chuyên gia nhận định "sự chán nản" của người dân trước các biện pháp cách ly chống dịch, cùng với tình hình kinh tế khủng hoảng đã khiến cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế mới càng trở nên khó khăn, và đây là một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong 1 tháng qua. 

Đơn cử như tại châu Âu, tâm dịch COVID-19 hiện nay, sau làn sóng dịch đầu tiên đã được kiểm soát trong mùa Hè, tình trạng lơ là, chủ quan là một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng chóng mặt. Cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Peter Piot thừa nhận rằng người dân không tuân thủ nghiêm túc việc đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tụ tập đông người. Chỉ có khoảng 60% người dân châu Âu đeo khẩu trang và điều này là chưa đủ để bảo vệ mọi người trước nguy cơ nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, cùng với làn sóng dịch mới, người ta cũng chứng kiến những vụ biểu tình phản đối các quy định của chính phủ về ngăn chặn đại dịch COVID-19. Ngày 23/10, tại trung tâm thành phố Napoli (Italy), hàng nghìn người, đều rất trẻ và không đeo khẩu trang, đã tụ tập gây náo loạn, ném gạch đá, chai lọ và bom khói vào cảnh sát để phản đối lệnh giới nghiêm. Ngày 24/10, cảnh sát thủ đô Vacsava của Ba Lan đã bắt giữ gần 300 người có hành vi quá khích, tấn công lực lượng cảnh sát, ném đá, chai lọ và bắn pháo hoa trong cuộc biểu tình chống gói biện pháp hạn chế mới. Các vụ tụ tập đông người, vi phạm quy định cấm tập trung quá 5 người mà chính phủ đưa ra đã khiến tổng số ca nhiễm tại Ba Lan trong chưa đầy 1 tháng qua đã tăng lên gấp 3, vượt hơn 300.000 người.

Tại Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới lần thứ 12 vừa bế mạc ngày 27/10, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo việc từ bỏ những nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 là điều hết sức nguy hiểm. Dù thừa nhận nhiều tháng ứng phó với dịch COVID-19 có thể dẫn tới "giai đoạn mệt mỏi", khiến các nước "lơi lỏng" trong nỗ lực chống dịch, song lãnh đạo WHO khẳng định đây chính là giai đoạn nhạy cảm, đòi hỏi các chính phủ và mỗi người dân cảnh giác hơn nữa trước virus SARS-CoV-2, tiếp tục triển khai các biện pháp đúng đắn, kịp thời, cũng như tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, khử khuẩn... Và một lần nữa, cùng với Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Tổng Giám đốc WHO lại kêu gọi đoàn kết toàn cầu, nhấn mạnh đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm, trong đó có chia sẻ vaccine, là cách duy nhất để thế giới vượt qua "mùa Đông ảm đạm" của đại dịch COVID-19.

Phan An (TTXVN)
Nga sẵn sàng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa COVID-19
Nga sẵn sàng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 29/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng chuyển nhượng các quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 và sản xuất chúng tại các cơ sở của đối tác nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN