Ngay sau khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ được công bố với chiến thắng thuộc về ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai được truyền thông nước này dẫn lời nói rằng Bangkok "tôn trọng quan điểm của người dân Mỹ" và quan hệ Thái Lan-Mỹ vẫn được tiếp nối trên tất cả các phương diện hợp tác từ trước đến nay. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha cũng đồng thời cho biết Bangkok sẽ có một số điều chỉnh trong chính sách đối ngoại để phù hợp với các thay đổi của tình hình.
Trong khi đó, giới phân tích Thái Lan lại nhìn nhận rằng nước Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ ít quan tâm đến vấn đề dân chủ và phục hồi dân chủ ở Thái Lan nên cũng tạo ra ít áp lực lên chính quyền quân sự. Ở khía cạnh tiêu cực, do Thái Lan sẽ ít được Mỹ chú ý hơn trong tổng thể chính sách đối ngoại nên càng dễ "bị lôi kéo" sâu hơn vào quỹ đạo chi phối của Trung Quốc.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tại Khóa họp 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 22/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Nhà nghiên cứu Pongkwan Sawasdipak, giảng viên Đại học Thammasat nhận định: Washington sẽ tảng lờ chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayut Chan-ocha vì còn bận bịu với nhiều vấn đề trong nước cũng như thiên hướng "biệt lập chủ nghĩa" của ông Donald Trump.
Chuyên gia này nói: "Nhiều khả năng ông Trump không thúc đẩy các giá trị như là tự do hay nhân quyền. Chính quyền mới có thể không quan tâm đến ai cầm quyền ở Thái Lan và điều đó cũng đồng nghĩa là chính quyền quân sự sẽ ít phải hứng chịu chỉ trích hơn".
Thiên hướng doanh nhân của ông Donald Trump cũng sẽ ảnh hưởng đến mối quan tâm chính của Mỹ là kinh tế thay vì an ninh, quân sự và can thiệp gây ảnh hưởng chính trị. Đây sẽ là điều mà lãnh đạo Thái Lan cũng như các nước trong khu vực cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Pongkwan Sawasdipak, quan điểm bảo hộ mậu dịch của ông Donald Trump có thể cản trở, thậm chí đặt dấu chấm hết cho các thỏa thuận tự do thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực theo đuổi bấy lâu nay.
Nhà nghiên cứu Pongkwan Sawasdipak còn nhận định rằng Chính quyền Donald Trump nhiều khả năng sẽ từ bỏ chính sách xoay trục của người tiền nhiệm để tập trung nhiều hơn vào Trung Đông, nơi ông này từng tuyên bố (khi vận động tranh cử) sẽ ưu tiên tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bởi đó là nguy cơ sống còn cho nước Mỹ.
Tuy nhiên nhà nghiên cứu này cũng cảnh báo rằng Thái Lan sẽ có ít quân bài hơn để mặc cả với Trung Quốc một khi Mỹ từ bỏ chính sách can dự tích cực đối với khu vực Đông Nam Á và Thái Lan.
Trong khi đó, Giáo sư khoa học chính trị Siripan Noksuan Sawasdee của Đại học Chulalongkorn lại nhìn nhận rằng, thực chất từ lâu Thái Lan đã không còn nằm ở tâm điểm chính sách đối ngoại của Mỹ và xu thế này sẽ tiếp tục được củng cố dưới thời Donald Trump.
Theo bà Siripan, hai nước sẽ cố gắng duy trì mức độ hiện tại của quan hệ hợp tác quân sự, trong khi Washington sẽ giảm bớt sức ép về nhân quyền và dân chủ đối với chính quyền quân sự tại Thái Lan. Bên cạnh đó, quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ bị ảnh hưởng nặng do hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan vấp phải các rào cản của chính sách bảo hộ thương mại mà ông Donald Trump đã tuyên bố khi vận động tranh cử.